Thị trường

Quất bonsai hút khách

Đỗ Minh 17/01/2024 - 08:02

Còn hơn 20 ngày nữa mới đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 nhưng nhiều vườn quất bonsai (cây được tạo dáng trồng trong chậu hoặc chum...) ở Hà Nội đã được khách đặt mua hết. Mô hình trồng quất bonsai đang cho thu nhập gấp 3-4 lần so với trồng quất thông thường.

cham-soc-quat-bonsai-tai-ph.jpg
Chăm sóc quất bonsai tại phường Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm).

Gần 1 tháng nay, vườn quất của ông Trương Ngọc Xuân (phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm), đặc biệt là các chậu quất bonsai với nhiều kiểu dáng đẹp, thường xuyên có khá nhiều người tìm đến xem, lựa mua.

Là người gắn bó với cây trồng từ nhỏ, đồng thời nắm bắt tâm lý, thị hiếu khách hàng, từ năm 2015, ông Trương Ngọc Xuân bắt tay vào trồng quất cảnh bonsai lai ghép. Với kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây cảnh nhiều năm, ông đã thử ghép quất với cây cần thăng để tạo ra tác phẩm quất cảnh bonsai độc đáo.

Ông Trương Ngọc Xuân chia sẻ, cây cần thăng có đặc tính giống cây cảnh, sức sống khỏe, vươn cao, vẻ xù xì, cằn cỗi, ghép với quất chín màu vàng, lá xanh điểm, cùng với gốc nổi sẽ cho ra một cây quất bonsai độc, lạ.

Vườn quất của gia đình ông Xuân được khách gọi với biệt danh “quất thăng tiến”… Trung bình giá bán “quất thăng tiến” dao động 5-10 triệu đồng đối với cây nhỏ để bàn trà; cây nhỡ để phòng khách có giá từ 12 đến 25 triệu đồng; những cây to hơn có giá từ 30 triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng. Mỗi năm, vườn quất nhà ông Xuân có khoảng 100 chậu cây được bán ra.

Tại vườn quất ở bãi sông Hồng, xã Tàm Xá, huyện Đông Anh cũng đang tập nập khách đến mua quất. Toàn xã Tàm Xá có khoảng 90ha và 348 hộ có nghề trồng quất cảnh, hằng năm số lượng quất giống được người dân của xã trồng cung cấp cho các địa phương vào khoảng 169 nghìn cây, quất cảnh được các hộ dân bán trong dịp Tết Nguyên đán là khoảng 69 nghìn cây.

Theo bà Nguyễn Thị Toan, từ nhiều năm nay, người trồng quất Tàm Xá bắt đầu chuyển sang làm quất bonsai trong các chum chậu, số ít hộ làm giống quất cảnh ghép thân cây khác để tạo điểm nhấn ở những gốc cây. Quất bonsai có giá cao, trung bình từ 600 nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng/cây.

“Cùng với trồng quất bonsai, người trồng quất Tàm Xá đã ứng dụng kỹ thuật chăm sóc riêng để tạo ra những cây quất bonsai đẹp và có ý nghĩa. Theo quan niệm trưng cây quất trong nhà là biểu hiện của sự may mắn, sung túc, quất đẹp phải là quất tứ quý, nghĩa là cây phải có lộc, có hoa, có quả xanh và quả vàng”, bà Toan nói.

Tương tự, tại “vựa” quất nổi tiếng Hà Thành - phường Tứ Liên (quận Tây Hồ), nhiều năm nay, những gốc quất bonsai trong chum, chậu cũng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Bà Thu Nga, chủ vườn quất lâu năm ở Tứ Liên thông tin, để phục vụ nhu cầu thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, gia đình bà dự kiến đưa ra thị trường hơn 400 gốc quất, với nhiều kích cỡ khác nhau, giá dao động từ 500 nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng/gốc.

“Năm nay, quất bị ảnh hưởng bởi thời tiết nên số lượng cây cũng giảm. Tuy nhiên, những cây quất bonsai trong chum được du khách lựa chọn nhiều hơn”, bà Nga cho hay.

Không chỉ có quất Tứ Liên, hầu hết các vùng trồng quất như: Vân Tảo (huyện Thường Tín), Vạn Phúc (huyện Thanh Trì)… đã chuyển dần sang trồng quất bonsai với nhiều dáng quất độc, lạ. Mỗi cây quất bonsai đều có vẻ đẹp và ý nghĩa riêng, giúp khách mua có nhiều sự lựa chọn, tùy không gian trưng bày. Đặc biệt, khách hàng có thể mua hoặc thuê, tùy nhu cầu.

Là một trong những khách ưa thích các chậu quất bonsai, anh Đào Tự Tùng (phường La Khê, quận Hà Đông) cho biết: Hằng năm, tôi đều đặt khoảng 3-4 cây quất bonsai để chơi Tết. Quất bonsai có thể chơi từ rằm tháng Chạp và qua cả tháng Giêng. Tôi lựa chọn thuê vì chơi xong mình có thể gửi lại vườn chăm sóc, năm sau lại có những cây quất đẹp để chơi.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, trồng cây cảnh bonsai nói chung và quất bonsai nói riêng là hướng đi đúng của nông dân các vùng trồng quất Thủ đô. Mô hình trồng quất bonsai đang cho thu nhập gấp 3-4 lần so với trồng quất thông thường.