Vi phạm về đất đai trên địa bàn huyện Thanh Trì: Cần sớm giải quyết dứt điểm
Hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Thanh Trì bị các tổ chức, cá nhân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng nhà ở, mở xưởng sản xuất.
Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng mà còn gây bức xúc dư luận, do đó cần sớm được giải quyết dứt điểm...
Vi phạm kéo dài
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, tình trạng tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng, biến đất nông nghiệp, đất dự án chưa triển khai thành nhà xưởng, kho bãi trên địa bàn huyện Thanh Trì diễn ra từ nhiều năm nay.
Đơn cử, từ năm 2019 đến 2022, lợi dụng đêm tối, nhiều người đã đổ đất, cát, san lấp hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp dọc theo sông Hòa Bình, đoạn qua các xã: Đại Áng, Vĩnh Quỳnh, Tả Thanh Oai để dựng nhà xưởng và các công trình kiên cố...
Đáng chú ý, việc tự ý san lấp đất nông nghiệp còn lại sau khi bị thu hồi để phục vụ dự án hoặc đất được giao cho người dân theo Nghị định số 64/CP (ngày 27-9-1993) của Chính phủ diễn ra trên địa bàn các xã: Yên Mỹ, Vạn Phúc, Tân Triều… khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.
Để ngăn chặn vi phạm và tránh tình trạng đất đai bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích, chính quyền một số địa phương đã đầu tư kinh phí để lắp đặt camera giám sát tại một số vị trí trọng điểm, đồng thời cắt cử lực lượng ứng trực, tuần tra ngăn chặn. Thế nhưng, chặn được chỗ này, chỗ khác lại "phình" ra.
Ví dụ như trên địa bàn xã Ngọc Hồi, khu đất nông nghiệp (rộng 64,4ha) phục vụ Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội hiện nay vẫn đang bị các đối tượng san lấp trái phép, nhiều chỗ còn ngập trong phế thải xây dựng. Nhiều diện tích đất sau khi được san gạt, ngay lập tức biến thành kho bãi, điểm tập kết vật liệu xây dựng và phương tiện giao thông… Các chủ bãi ở đây còn tự ý dựng lều lán, thậm chí còn xây dựng cả nhà cấp 4 trên đất vi phạm.
Tình trạng tự ý đổ đất, san lấp đất nông nghiệp làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh cũng xảy ra trên đường Chu Văn An, đường Nguyễn Xiển, đoạn qua địa bàn xã Tân Triều. Mặc dù, từ đầu năm 2022 đến nay, chính quyền địa phương đã tổ chức lực lượng tháo dỡ 3 công trình vi phạm trên đất nông nghiệp được giao theo Nghị định số 64/CP, nhưng chỉ sau một thời gian, tình trạng vi phạm lại tái diễn.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều Nguyễn Văn Lăng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các hộ gia đình thiếu mặt bằng để sản xuất, kinh doanh nên cố ý vi phạm. Mặt khác còn bởi tốc độ đô thị hóa tại địa phương làm giá đất tăng cao gấp nhiều lần so với thu nhập sản xuất nông nghiệp nên nhiều người bất chấp sai phạm vẫn chở đất về san nền, dựng nhà xưởng, rồi mua bán trao tay để kiếm lời.
Bao giờ mới chấm dứt?
Từ đầu năm 2023 đến nay, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Trì đã tham mưu UBND huyện Thanh Trì ban hành nhiều văn bản, quyết định về việc thành lập tổ công tác và đôn đốc chính quyền các xã, thị trấn rà soát, lập hồ sơ xử lý vi phạm liên quan đến quy định Luật Đất đai.
Cụ thể, ngày 19-4-2023, huyện Thanh Trì đã ban hành Quyết định số 1689/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ công tác hỗ trợ UBND xã Tả Thanh Oai trong công tác xử lý đất đai và trật tự xây dựng. Tiếp đến, từ ngày 25-4-2023 đến ngày 10-10-2023, huyện tiếp tục có các Quyết định số 1878/QĐ-UBND, Quyết định số 4979/QĐ-UBND về việc rà soát việc sử dụng đất tại xã Thanh Liệt và xử lý vi phạm trên đất đã giải phóng mặt bằng thuộc Dự án xây dựng tổ hợp ga Ngọc Hồi và các tuyến đường bộ kết nối cầu đường bộ vượt đường sắt đô thị Hà Nội.
Qua kiểm tra, rà soát đối với 556 trường hợp, đến thời điểm này, huyện Thanh Trì đã phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý 85 trường hợp vi phạm (trong đó có 6 trường hợp san lấp, 67 trường hợp vi phạm đất đai có công trình, 12 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng). Huyện đã xử lý được 81 trường hợp, trong đó có những vi phạm tồn tại nhiều năm, gây bức xúc dư luận.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, Chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai Vũ Hoài Sơn cho biết, khó khăn trong công tác xử lý là do hầu hết các vi phạm trên địa bàn đều hình thành trước khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành. Với quan điểm không để phát sinh vi phạm mới nên một mặt xã chỉ đạo cán bộ siết chặt công tác quản lý, mặt khác yêu cầu lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, khi phát hiện trường hợp san lấp, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp thì sớm ngăn chặn, báo cáo UBND huyện xử lý theo quy định.
Theo Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Trì Ngô Thị Thu Hằng, về việc phát sinh và chậm xử lý các vi phạm trên đất nông nghiệp, trách nhiệm trước tiên thuộc về chính quyền địa phương. Đối với 4 trường hợp vi phạm đất đai chưa được xử lý trong năm 2023 nếu không tự tháo dỡ, di dời vật liệu ra khỏi khu đất vi phạm trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, UBND huyện Thanh Trì sẽ tổ chức xử lý theo quy định.
Có thể thấy để phát sinh nhiều vi phạm đất đai trên địa bàn huyện Thanh Trì là do trước đây chính quyền các xã, thị trấn đã buông lỏng công tác quản lý. Để tránh tình trạng đất đai bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích, UBND huyện Thanh Trì cần sớm có biện pháp xử lý dứt điểm đối với những vi phạm còn tồn tại nêu trên.