Chủ động từ sớm, từ xa
Theo nhận định của cơ quan khí tượng thủy văn, mùa khô năm 2023-2024 tiếp tục có những diễn biến khó lường. Thực tế này đòi hỏi các ngành chức năng cũng như địa phương cần chủ động giải pháp ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn từ sớm, từ xa để giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra.
Bản tin cảnh báo khí tượng thủy văn thời hạn mùa trên phạm vi cả nước từ tháng 11-2023 đến tháng 4-2024 cho thấy, lượng nước về các hồ chứa khu vực miền Bắc tiếp tục thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.
Cụ thể, trong tháng 1-2024, lượng nước về các hồ chứa lớn trên lưu vực sông Đà thiếu hụt so với trung bình nhiều năm là 10-25%. Từ tháng 2 đến tháng 4-2024, lượng nước về các hồ trên lưu vực sông Đà thiếu hụt so với trung bình nhiều năm là 5-20%, lưu vực sông Gâm và sông Chảy là 10-20%.
Trong khi đó, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm; trong thời kỳ cao điểm (tháng 2 đến tháng 4-2024) có thể xảy ra thiếu nước ngọt cục bộ, xâm nhập mặn vào sâu các cửa sông. Ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên cũng có thể xảy ra hạn hán, thiếu nước ngọt cục bộ, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong mùa khô.
Với sự chủ động từ sớm, hiện nay, các địa phương, đặc biệt là thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố thuộc khu vực trung du và Đồng bằng Bắc Bộ đang tập trung nhân lực, vật lực tiến hành khơi thông dòng chảy, giải tỏa ách tắc, nạo vét hệ thống dẫn nước; bảo đảm phương tiện lấy nước đủ điều kiện để sẵn sàng vận hành.
Ngoài ra, các đơn vị, địa phương cũng khẩn trương vận động, hướng dẫn người dân thực hiện sớm việc làm đất để giữ nước trên ruộng; bố trí lực lượng thường trực tại công trình thủy lợi đầu mối trong toàn bộ thời gian lấy nước, bảo đảm việc lấy nước hiệu quả và an toàn.
Chủ động ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn, ngành Nông nghiệp cùng cơ quan chức năng và địa phương, trong đó có Hà Nội, cần tiếp tục tổ chức theo dõi, triển khai các nhiệm vụ theo đúng chỉ đạo trong Công điện số 04/CĐ-TTg (ngày 15-1-2024) của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Theo đó, nhiệm vụ quan trọng là các ngành chức năng cần tổ chức theo dõi sát diễn biến và có dự báo chuyên ngành về nguồn nước, chất lượng nước và nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn để cung cấp thông tin cho các địa phương và người dân; đồng thời chủ động chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với diễn biến thực tế tại từng thời điểm, từng khu vực. Ngoài ra, cần hướng dẫn các địa phương tổ chức sản xuất, hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là thời kỳ cao điểm thường xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn.
Các địa phương tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn; xác định mức độ ảnh hưởng đến từng địa bàn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó cụ thể.
Đặc biệt, đối với các địa phương miền Bắc, trong đó có thành phố Hà Nội, trong 2 đợt lấy nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân, cần phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng thực hiện tốt công tác điều hành, điều tiết nước, bảo đảm hiệu quả cao nhất trong các đợt xả - lấy nước cho gieo cấy. Cùng với đó, vận hành tối đa công trình thủy lợi lấy nước ngay khi nguồn nước cho phép để tích trữ trong hệ thống kênh trục, ao, đầm, vùng trũng và đưa nước lên ruộng phục vụ làm đất, gieo cấy.
Chủ động ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn, mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả cả trong sinh hoạt hằng ngày cũng như trong các lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp.