Định hướng ưu tiên hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lao động và xã hội

Đời sống - Ngày đăng : 12:06, 28/12/2022

(HNMO) - Sáng 28-12, tại nhà khách Quốc hội (27A Trần Hưng Đạo, Hà Nội), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức tọa đàm về các ưu tiên hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lao động và xã hội giai đoạn 2022-2030. Chương trình có sự tham dự của đại diện các tổ chức quốc tế.

Quang cảnh tọa đàm sáng 28-12.

Bảo đảm tốt các quyền an sinh xã hội cho người dân thông qua hợp tác quốc tế

Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lưu Quang Tuấn khẳng định, những năm qua, không chỉ được biết đến với các thành tựu phát triển quan trọng về kinh tế - xã hội, Việt Nam đã và đang thể hiện là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Kết quả đó đạt được do nhiều yếu tố, trong đó hợp tác quốc tế đóng một vai trò quan trọng, giúp huy động sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế để thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời, cũng là kênh để Việt Nam thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ quốc tế và thể hiện tình hữu nghị với các quốc gia.

Nói riêng về lĩnh vực hợp tác về lao động, ông Lưu Quang Tuấn nhấn mạnh, hàng trăm nghìn lượt người lao động Việt Nam đã đi làm việc theo hợp đồng tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, tạo ra nguồn thu nhập thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả Việt Nam và nước tiếp nhận lao động.

Các dự án hợp tác quốc tế đã mang lại nhiều hỗ trợ tài chính và kỹ thuật, góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế và nâng cao hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật về lao động và xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm tốt các quyền an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội. Việt Nam cũng có nhiều đóng góp sáng kiến, kinh nghiệm chia sẻ với quốc tế về quá trình phát triển trong lĩnh vực lao động và xã hội.

Trao đổi tại tọa đàm, các đại biểu đại diện Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Chương trình hợp tác Giáo dục nghề nghiệp - Cơ quan hợp tác Đức GIZ; Văn phòng Cơ quan Hợp tác và phát triển Nhật Bản (JICA); đại diện Campaign For Tobacco Free Kids/đơn vị vận động chính sách toàn cầu GHAI; Tổ chức Hỗ trợ người cao tuổi quốc tế HelpAge tại Việt Nam; cùng với các đại biểu là quản lý, cán bộ chương trình của các đối tác song phương, đa phương, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và Việt Nam; các chuyên gia giàu kinh nghiệm về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lao động và xã hội… đã cùng trao đổi, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến, khuyến nghị hữu ích.

Các đại biểu thống nhất ý kiến, trong bối cảnh mới với những vấn đề mang tính chất toàn cầu như biến đổi khí hậu, già hóa dân số, dịch bệnh, xung đột vũ trang..., hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lao động và xã hội cũng cần có sự đổi mới, cả về nội dung và hình thức.

Đây cũng là thời điểm mà nhiều dự án, chương trình hợp tác quốc tế về lao động, xã hội đã kết thúc, cần có các chương trình mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội phục vụ phát triển bền vững của quốc gia trong thời gian tới, bảo đảm đáp ứng các ưu tiên, phân bổ nguồn lực hợp lý, tránh chồng chéo để nâng cao hiệu quả thực hiện. 

Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Lưu Quang Tuấn chia sẻ tại tọa đàm.

Nhiều định hướng ưu tiên trong hợp tác quốc tế

Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Hà Thị Minh Đức nêu lên một số vấn đề xã hội cần tiếp tục tập trung giải quyết như: Phổ cập nước sạch; vệ sinh môi trường; xóa bỏ tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em; tăng mức hưởng lợi của các nhóm dễ tổn thương với bảo hiểm y tế...

Đồng thời, nêu rõ định hướng phát triển kinh tế - xã hội về lao động và xã hội, trong đó khẳng định nhiệm vụ: “Phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, hiệu quả với chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện tiến tới bao phủ toàn dân, đáp ứng nhu cầu về cơ bản và cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân; góp phần bảo đảm công bằng xã hội và không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Nhiều định hướng ưu tiên trong hợp tác quốc tế đã được các đại biểu thảo luận, trao đổi, bao gồm: Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và thi hành nghiêm pháp luật về lao động, người có công và xã hội; Tổng kết, đánh giá việc thực hiện các Luật nhằm phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại; Tăng cường hiệu quả quản lý lao động đi làm việc ở nước ngoài; Hoàn thiện, phát triển và đổi mới giáo dục nghề nghiệp, bao gồm: Hoàn thiện thể chế phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế; thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm và bền vững...

Về phương hướng hợp tác quốc tế, nhiều đại biểu đề cao việc tập trung nguồn lực giải quyết các vấn đề ưu tiên của ngành, có sự điều phối, bảo đảm không trùng chéo; phân bổ nguồn lực hợp lý; phát triển hợp tác ở các lĩnh vực còn nhiều khoảng trống.

Cùng với đó, tăng cường hợp tác với các đối tác truyền thống trên các lĩnh vực theo hướng hợp tác sâu hơn trong các lĩnh vực đang hợp tác và mở rộng ra các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm; mở rộng quan hệ, hợp tác với các đối tác mới để tăng cường nguồn lực, học tập kinh nghiệm quốc tế để áp dụng phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Mai Hoa