Năm 2024, thanh tra bảo hiểm xã hội tập trung vào những nhiệm vụ nào?
Cùng với công tác phát triển số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), năm 2024, ngành BHXH tăng cường thanh tra chuyên ngành và liên ngành về BHXH.
BHXH Việt Nam cho biết, theo Nghị định số 03/2024/NĐ-CP quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành do Chính phủ vừa ban hành, từ ngày 1-3-2024, Thanh tra BHXH Việt Nam được giao nhiều nhiệm vụ, quyền hạn.
Cụ thể, thanh tra BHXH Việt Nam có nhiệm vụ xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra của BHXH, hướng dẫn BHXH tỉnh, thành phố xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra để tổng hợp và trình Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành. Trên cơ sở đó, cơ quan thanh tra tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra của BHXH Việt Nam; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra của BHXH các tỉnh, thành phố.
Đáng chú ý, cơ quan này có nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định; thanh tra vụ việc khác khi được Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam giao. Với những vụ việc đã có kết luận của giám đốc BHXH tỉnh, thành phố nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì Thanh tra BHXH Việt Nam có quyền quyết định thanh tra lại...
Ngoài ra, thanh tra BHXH Việt Nam có nhiệm vụ giúp Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.
Theo kế hoạch của ngành, năm 2024, BHXH Việt Nam tiến hành kiểm tra, thanh tra chuyên ngành tại 10 tỉnh, thành phố: Bình Dương (18 đơn vị), Hải Phòng (8 đơn vị), Bạc Liêu (6 đơn vị), Kon Tum (6 đơn vị), Hà Nam (8 đơn vị), Đắk Lắk (9 đơn vị), Đồng Tháp (6 đơn vị), Sóc Trăng (8 đơn vị), Quảng Bình (7 đơn vị), Tiền Giang (8 đơn vị).
Ngoài ra, ngành BHXH kiểm tra chuyên đề về thực hiện khám, chữa bệnh BHYT tại 8 tỉnh: An Giang, Thừa Thiên Huế, Hà Giang, Nghệ An, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thanh Hóa; thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam và một số công ty thành viên.
Với BHXH các tỉnh, thành phố, BHXH Việt Nam giao các địa phương tiến hành thanh tra chuyên ngành 6.964 đơn vị; thanh tra, kiểm tra liên ngành 2.254 đơn vị. Cùng với đó, các địa phương cần kiểm tra 5.026 đơn vị sử dụng lao động, 529 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT và 516 tổ chức dịch vụ thu, dịch vụ chi trả BHXH, BHYT.
Các địa phương sẽ tiến hành thanh tra chuyên ngành đóng BHXH nhiều nhất là thành phố Hồ Chí Minh với 660 đơn vị; Hà Nội với 650 đơn vị; Phú Thọ với 200 đơn vị; Đồng Nai với 195 đơn vị; Nghệ An và Bình Dương cùng có số lượng 180 đơn vị...
Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành về BHXH được triển khai thường xuyên, trên quy mô rộng là giải pháp quan trọng nhằm chấn chỉnh, đôn đốc, yêu cầu các bên liên quan thực hiện đúng quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Đó cũng là cách bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người dân, người lao động tham gia các chính sách.