Viện trợ quân sự cho Ukraine tiếp tục thu hẹp: Bài toán khó cho chính quyền Kiev
Ukraine đang rơi vào thế khó khi Mỹ tuyên bố tạm dừng viện trợ quân sự trong khi nguồn cung cấp khí tài từ Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày càng nhỏ giọt. Như vậy, bước sang năm 2024, các lực lượng của Kiev trên chiến trường sẽ đối mặt với khó khăn chồng chất.
Trong động thái mới nhất, đầu năm 2024, Mỹ đã tạm dừng viện trợ quân sự cho Ukraine. Theo giới quan sát, Washington có nhiều lý do để đưa ra quyết định này.
Trước tiên, đó là việc Nhà Trắng đã “rút” gói ngân sách khả thi cuối cùng dành cho Kiev, còn các tranh luận về vai trò của Washington trong việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine đã trở thành đề tài gây căng thẳng tại Quốc hội Mỹ. Thứ đến, quân đội Mỹ đang cạn kiệt các lựa chọn để bổ sung kho dự trữ.
Kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2-2022, Mỹ đã cung cấp viện trợ hơn 75 tỷ USD dưới dạng tài chính hoặc trang thiết bị quân sự cho Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga. Lần viện trợ gần nhất của Mỹ dành cho đồng minh Đông Âu là khi Tổng thống Mỹ Joe Biden phê duyệt gói viện trợ trị giá 250 triệu USD vào cuối tháng 12-2023. Cùng với đó, điểm nóng mới tại Trung Đông đã khiến nguồn lực của Mỹ cũng như các đồng minh châu Âu bị phân tán nghiêm trọng. Mặt khác, hàng chục ngàn loại vũ khí sau khi chuyển tới Ukraine không được kiểm kê nhanh chóng và đầy đủ đã làm dấy lên lo ngại những vũ khí không được truy vết có thể bị đánh cắp hoặc buôn lậu.
Triển vọng về việc có thể nối lại nguồn viện trợ từ Washington ngày càng trở nên mù mịt đối với Kiev, nhất là sau khi Quốc hội Mỹ (cuối năm 2023) quyết định không thông qua đề xuất ngân sách 106 tỷ USD, với khoảng 60 tỷ USD viện trợ cho Ukraine của Tổng thống Joe Biden, dù ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh rằng, đây là điều đặc biệt quan trọng để giúp Kiev trụ vững trước các cuộc tấn công quy mô lớn mới nhất của Nga.
Trong bối cảnh đó, châu Âu trở thành nguồn viện trợ nước ngoài duy nhất mà Ukraine đang tìm cách bấu víu. Tuy nhiên, EU cho biết, việc chuyển giao vũ khí đã bị trì hoãn, viện dẫn lý do gặp vấn đề về sản xuất và hậu cần. Khối này thậm chí nêu rõ, sẽ không thể đáp ứng mục tiêu cung cấp 1 triệu quả đạn pháo vào tháng 3-2024. Một số nước đồng minh của Ukraine ở Lục địa già cũng thẳng thắn tuyên bố, “không còn gì để cung cấp cho Kiev”. Từ cuối năm ngoái, NATO đã thông báo kho vũ khí còn lại mà các nước trong liên minh này có thể cung cấp cho Ukraine đã “gần như trống rỗng”.
Theo các ý kiến phân tích, bên cạnh việc các nền kinh tế châu Âu chưa thể thích ứng với mô hình thời chiến để bảo đảm sản lượng vũ khí, đạn dược phục vụ viện trợ, một yếu tố trở ngại khác là chi phí sản xuất các mặt hàng này ngày càng đắt đỏ vì thiếu đi nguồn cung năng lượng giá rẻ từ Nga. Bản thân Ukraine không có khả năng chi trả cho đạn dược, đồng nghĩa với việc các nước châu Âu phải tự thanh toán cho việc này thông qua tăng ngân sách quân sự, cách làm có thể dẫn tới những rủi ro lớn cho các nền kinh tế vốn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Đối phó với vấn đề này, trước mắt, Ukraine tăng cường tự sản xuất các thiết bị bay cảm tử để đối phó với nguồn cung đạn dược ngày càng suy giảm, đồng thời sản xuất nhiều đạn pháo hơn, bao gồm cả loại đạn pháo sử dụng cho các hệ thống vũ khí thời Liên Xô và đạn pháo cỡ nòng 155mm sử dụng trong nhiều hệ thống pháo do phương Tây cung cấp. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng tăng cường các nỗ lực ngoại giao tìm nguồn cung mới.
Phát biểu trong chuyến thăm tới Latvia và Estonia đầu năm 2024, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi các đồng minh sản xuất thêm vũ khí. Nhà lãnh đạo này cũng thúc giục NATO đẩy nhanh tiến trình kết nạp Ukraine, nhấn mạnh động thái này sẽ giúp liên minh quân sự có thêm "một đội quân có kinh nghiệm quân sự, không phải trên lý thuyết mà là thực tiễn".
Tuy nhiên, những thiếu hụt ở tiền tuyến mới chỉ là một phần trong bài toán khó mà Ukraine đang đối mặt, khi nền kinh tế nước này ngày càng lệ thuộc mạnh mẽ vào các kênh viện trợ. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yulia Svyrydenko cảnh báo, nước này có thể chậm trả lương cho công chức và lương hưu cho hàng triệu công dân nếu EU và Mỹ không cung cấp viện trợ tài chính như đã hứa. Nếu kịch bản này xảy ra, một cuộc khủng hoảng xã hội là khó tránh khỏi.
Mỹ và các đồng minh phương Tây ngày càng không còn mặn mà viện trợ cho Ukraine khi chiến sự tiêu hao ngày càng kéo dài. Điều đó dẫn đến việc các lực lượng của Kiev trên chiến trường sẽ gặp khó khăn chồng chất.