Chủ động cung ứng, điều tiết nông sản
Theo tính toán của ngành Nông nghiệp, thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhu cầu nông sản có thể tăng 15-20% so với những tháng trước đó. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô, đồng thời điều tiết thị trường, không xảy ra tình trạng thừa - thiếu cục bộ, ngành Nông nghiệp Hà Nội chỉ đạo các địa phương, hợp tác xã, doanh nghiệp... xây dựng phương án sản xuất, trên cơ sở phân tích thị trường kỹ lưỡng, kịp thời.
Cân đối cung - cầu
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, nhu cầu tiêu thụ của 10 triệu dân đang sinh sống, làm việc, học tập tại Hà Nội về gạo là khoảng 96.650 tấn/tháng, thịt lợn 19.500 tấn/tháng, thịt bò 5.350 tấn/ tháng, thịt gà 6.500 tấn/tháng, trứng gia cầm 130 triệu quả/tháng, thủy sản 19.250 tấn/tháng, rau củ 107.500 tấn/tháng, trái cây 56.000 tấn/tháng...
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết thêm, hiện chỉ có sản phẩm thịt và trứng gia cầm cơ bản đáp ứng thị trường Hà Nội; nông sản thực phẩm khác đáp ứng khoảng 60% nhu cầu; số còn lại từ các tỉnh, thành phố và một phần nhập khẩu. Thời điểm cuối năm, nhu cầu nông sản có thể tăng 15-20% nên việc cân đối cung - cầu rất quan trọng.
Chia sẻ về cung - cầu nông sản, chủ trang trại chăn nuôi vịt đẻ ở xã Liên Châu (huyện Thanh Oai) Lê Văn Trẻo cho hay, trung bình mỗi ngày, trang trại của gia đình ông cung cấp cho thị trường khoảng 5.000 quả trứng vịt. Riêng tháng cận Tết Nguyên đán, trang trại cung ứng gần 7.000 quả. Để chủ động nguồn cung, trước đó 3 tháng, trang trại đã tăng đàn, tăng công suất ấp trứng...
Tương tự, Hợp tác xã Rau an toàn Hà Hồi, xã Hà Hồi (huyện Thường Tín) cũng đã phải tăng diện tích rau ngắn ngày để đủ lượng cho thị trường dịp cuối năm. “Mỗi ngày, Hợp tác xã cung ứng cho thị trường khoảng 15-20 tấn rau các loại; từ tháng 10-2023 đến nay, Hợp tác xã đã tính toán nhu cầu thị trường để tăng sản lượng…”, Phó Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Hà Hồi Từ Đức Toàn cho biết.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin, không chỉ chủ động sản xuất, Hà Nội còn nhập lượng lớn nông sản từ các tỉnh, thành phố, nhất là dịp cuối năm. Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục xây dựng, duy trì 159 chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản, trong đó có 53 chuỗi sản phẩm nguồn gốc động vật và 106 chuỗi sản phẩm nguồn gốc thực vật.
“Không chỉ bảo đảm đủ nguồn nông sản cho người dân mà còn phải bảo đảm cả đầu ra cho người sản xuất. Do vậy, phân tích thị trường, chủ động điều tiết trong sản xuất, liên kết xúc tiến thương mại cho sản phẩm là bài toán mà ngành Nông nghiệp Hà Nội triển khai quyết liệt trong thời gian qua, không riêng dịp cuối năm”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường nhấn mạnh.
Tránh tình trạng dư thừa hoặc thiếu hụt cục bộ
Về sản xuất dịp cuối năm, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang tích cực phối hợp với các địa phương theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến thời tiết, dịch bệnh; chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch sản phẩm nông, lâm, thủy sản đúng thời vụ, tránh tình trạng dư thừa hoặc thiếu hụt cục bộ. “Trước mắt, tập trung chăm sóc, thu hoạch nhanh, gọn diện tích cây vụ đông, đồng thời, sản xuất ngay vụ đông xuân; tăng cường kiểm soát, ngăn chặn các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm”, bà Hoàng Thị Hòa nêu.
Ngoài điều chỉnh trong sản xuất, ngành Nông nghiệp cũng chủ động liên kết đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho mặt hàng nông sản giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố. Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, ngành tiếp tục đẩy mạnh kết nối thông tin với 1.130 đầu mối sản phẩm nông, lâm, thủy sản của các tỉnh, thành phố đến các cơ sở, doanh nghiệp, đơn vị phân phối thực phẩm trên địa bàn thành phố và ngược lại. Nhờ đó, nhiều nông sản của Hà Nội được tiêu thụ mạnh tại các địa phương và nhiều mặt hàng của các tỉnh, thành phố cũng kịp thời đến với người tiêu dùng Thủ đô. Chính sự cân đối cung - cầu, điều tiết thị trường, kết nối tiêu thụ đã giúp nông dân Hà Nội giảm tối đa sự dư thừa nông sản trong cả tiêu thụ và sản xuất...
Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại khẳng định, ngoài bám sát chỉ đạo sản xuất, ngành Nông nghiệp chủ động phối hợp các địa phương, Sở Công Thương triển khai kế hoạch cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường vào các dịp cao điểm; chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan theo dõi hoạt động chăn nuôi trên địa bàn thành phố; dự kiến nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ mặt hàng thực phẩm tươi sống, kịp thời chỉ đạo sản xuất, chăn nuôi nhằm cung ứng đủ sản lượng cho thị trường các tháng cao điểm, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Bên cạnh đó, ngành tiếp tục đẩy mạnh tham gia hoạt động kết nối cung - cầu, hợp tác thương mại thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ, tạo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ thị trường Tết. Các đơn vị kinh doanh ký hợp đồng với các trang trại, đơn vị cung ứng để bảo đảm số lượng nông sản, đồng thời chủ động giám sát chặt chẽ quá trình sản xuất.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng:
Giới thiệu rộng rãi các sản phẩm OCOP
Cùng với thu hoạch vụ mùa, huyện Thanh Oai sớm xây dựng kế hoạch sản xuất vụ đông, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gắn với thị trường cuối năm. Theo đó, nhóm nông sản chủ lực là rau, hoa, cây cảnh và chăm sóc cây ăn quả. Nhằm tiêu thụ, cung ứng nông sản cho người dân địa bàn huyện dịp cuối năm, Thanh Oai tiếp tục kết nối, mời gọi các doanh nghiệp, đơn vị đầu mối liên kết với hợp tác xã, hộ sản xuất tiêu thụ nông sản chủ lực của huyện như: Trứng vịt, trứng gà, thịt gia súc gia cầm, hoa, cây cảnh… Huyện cũng hỗ trợ các đơn vị sản xuất tham gia sự kiện, tuần hàng trưng bày, giới thiệu nông sản an toàn, xây dựng các điểm bán sản phẩm OCOP tại các huyện trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác.
Đặc biệt, huyện hỗ trợ các đơn vị sản xuất tham gia tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử; đẩy mạnh triển khai hoạt động xúc tiến thương mại như Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về khu, cụm công nghiệp kết hợp hội chợ, khuyến mãi, giảm giá, kích cầu tiêu dùng…
Trưởng phòng Nông nghiệp, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội Nguyễn Bá Bằng:
Nông sản, thực phẩm được phân phối qua 4 kênh chính
Hà Nội hiện có 25 trung tâm thương mại, 141 siêu thị, 454 chợ; trong đó có 2 chợ đầu mối nông sản (chợ đầu mối phía Nam, chợ đầu mối Minh Khai), hơn 2.500 cửa hàng kinh doanh, phân phối nông sản, thực phẩm... Về cơ bản, nông sản, thực phẩm được phân phối, tiêu thụ qua 4 kênh chính. Thứ nhất là các mặt hàng thiết yếu hầu hết được thương lái thu mua, tập kết, tiêu thụ tại chợ đầu mối. Thứ hai là hệ thống siêu thị, cửa hàng chuyên doanh nông sản. Thứ ba là bếp ăn tập thể, trường học, công nghiệp phục vụ nhân dân. Thứ tư là tiêu thụ qua các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản. Đây là mô hình được thành lập trên cơ sở các đơn vị sản xuất với hệ thống cửa hàng thực phẩm an toàn được chứng nhận, tiêu thụ tại hệ thống cửa hàng thực phẩm.
Để bảo đảm cung ứng nông sản cho người dân Thủ đô, Trung tâm kết nối các kênh phân phối trên với các đơn vị sản xuất để xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại cho nông sản trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Chữ:
Tập trung nghiên cứu chế biến sản phẩm chất lượng cao
Trung bình mỗi tháng, Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green cung ứng cho thị trường 150 tấn thành phẩm thịt lợn, gà, vịt và sản phẩm chế biến. Tuy nhiên, vào tháng cận Tết Nguyên đán, công ty dự kiến lượng sản phẩm bán ra gấp 2-2,5 lần so với các tháng trong năm. Để có sản phẩm thịt gia súc, gia cầm bảo đảm chất lượng, công ty đã liên kết với hơn 300 trại chăn nuôi lợn, gà, vịt trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận nhằm ổn định nguồn cung. Công ty còn xây dựng hệ thống chuỗi bán hàng tại các quận, huyện của Hà Nội và các tỉnh, thành phố; xây dựng website quảng bá, bán sản phẩm...
Đặc biệt, Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green tập trung nghiên cứu chế biến sâu, sản xuất sản phẩm chất lượng cao với nhiều nhóm sản phẩm như giò chả, xúc xích; xây dựng phương án giám sát, kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm trên thị trường nhằm cung ứng nông sản an toàn đến người tiêu dùng Thủ đô trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Minh Huyền ghi