Đưa di sản tư liệu đến với công chúng: Sứ mệnh phục vụ cuộc sống
Tuy rằng không phải tài liệu lưu trữ nào cũng là di sản tư liệu, song rất có thể một ngày nào đó những tư liệu cá nhân hôm nay trở thành tư liệu cộng đồng mai sau, ký ức cá nhân góp thành ký ức tập thể. Bởi thế, việc mỗi người hiểu rõ về giá trị của tài liệu lưu trữ là hết sức quan trọng.
Dưới đây là ý kiến của một số chuyên gia về vấn đề này.
Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ):
Sự thay đổi quan trọng trong nhận thức về lưu trữ
Ở thời điểm hiện tại, di sản tư liệu chưa được đề cập trực tiếp, cụ thể trong pháp luật Việt Nam. Nội dung tài liệu lưu trữ là di sản tư liệu cũng đang được trao đổi, thảo luận, thống nhất để đưa vào Luật
Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm tạo hành lang pháp lý để bảo vệ và phát huy giá trị.
Nếu hiểu di sản theo sự ghi nhận các danh hiệu, phần thưởng của các tổ chức cá nhân khác nhau thì trong lưu trữ không phải tài liệu nào cũng là di sản. Tuy nhiên, nếu hiểu di sản theo nghĩa chung, nhất là tài liệu trí tuệ tinh thần văn hóa mà ông cha để lại thì chúng ta có những cách tiếp cận mới làm thay đổi ngành lưu trữ, thay đổi góc nhìn về ngành lưu trữ, thay đổi cách tiếp cận tài liệu lưu trữ theo hướng tích cực, dân chủ.
Trước đây, công tác lưu trữ được nhiều người hiểu nôm na là tạo một cái kho lưu giữ, bảo vệ tài liệu, chứ chưa hiểu rõ rằng sứ mệnh của lưu trữ là phát huy giá trị tài liệu lưu trữ để phục vụ cuộc sống. Di sản tư liệu mà ông cha để lại hết sức quý giá nếu chúng ta biết cách tiếp cận, khai thác phục vụ cộng đồng. Lưu trữ là một hoạt động quan trọng với mục đích, mục tiêu lớn nhất là hướng tới phục vụ con người. Việc thay đổi cách tiếp cận, thay đổi nhận thức về di sản nói chung, tài liệu lưu trữ nói riêng, sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo tồn, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ và di sản tư liệu.
Tiến sĩ Vũ Đức Liêm, giảng viên khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội:
Mở ra một cuộc cách mạng trong tư duy dạy học lịch sử
Trong sách giáo khoa lịch sử của chương trình giáo dục phổ thông mới hiện nay thì văn bản gốc đóng vai trò quyết định, vai trò trung tâm. Trước kia, việc dạy học, thi cử thường gắn với các nhận định lịch sử của các nhà sử học, thì nay, sách giáo khoa dẫn các văn bản gốc, tài liệu gốc và buộc học sinh phải đọc và hiểu các văn bản này. Khi kiểm tra đánh giá, yêu cầu đặt ra là học sinh đọc hiểu văn bản gốc chứ không đơn thuần là nhớ lại những nhận định của nhà sử học và nội dung bài giảng của thầy, cô giáo. Đây là một cuộc cách mạng trong tư duy dạy học lịch sử với một thế giới lưu trữ đang mở rộng trước mắt.
Bên cạnh môn lịch sử, hiện trong chương trình giáo dục phổ thông có môn giáo dục địa phương (bắt buộc). Nghĩa là trong một năm, các lớp có khoảng 30 - 35 tiết học về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường... ở địa phương, do đó, các trường cần tổ chức các lớp ngoại khóa. Và, các trung tâm lưu trữ, các bảo tàng có thể trở thành những địa điểm lý tưởng cho các tiết học này, qua đó giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về lưu trữ.
Bà Trần Hoài Phương, Giám đốc Công ty cổ phần Sách Omega Plus:
Xuất bản góp phần lan tỏa giá trị của di sản tư liệu
Khi đến một quốc gia nào đó, tôi có cảm nhận rằng chiều dài lịch sử đất nước ấy khá ngắn, ít chất liệu hơn so với Việt Nam chúng ta, nhưng câu chuyện lịch sử về quốc gia, dân tộc của họ được kể rất hay, có sức truyền cảm, thuyết phục mạnh.
Dù ta đang sống trong thời khắc hiện tại nhưng chiều sâu của những thời khắc ấy chính là lịch sử. Nếu nhìn từ góc độ đó, chúng ta sẽ thấy di sản tài liệu lưu trữ gắn bó mật thiết với thời ta đang sống chứ không phải điều gì xa lạ. Nếu người làm công tác bảo tàng, lưu trữ, xuất bản mà cho công chúng thấy được sự kết nối ấy thì tôi nghĩ đó là thành công quan trọng.
Lưu trữ là vỉa quặng, là trầm tích quá khứ mà khi xuất bản tức là ta khai thác vỉa quặng ấy, lựa chọn những yếu tố cần thiết để giới thiệu cho đời sống đương đại. Xuất bản là một trong những hoạt động phát huy giá trị di sản tư liệu để các vỉa quặng của lưu trữ được khai thác. Từ khi thành lập, Omepa Plus đã chủ trương xuất bản các đầu sách tri thức nền tảng với các nhóm sách như khoa học, nghệ thuật, lịch sử, văn hóa.
Dù chọn hướng giới thiệu tài liệu gốc hay khảo cứu trên các tư liệu, dù lối viết ra sao, cách kể chuyện thế nào, hướng tới đối tượng độc giả là ai thì tư liệu lưu trữ đều góp phần quan trọng tạo nên giá trị cho xuất bản phẩm. Kết hợp những giá trị của hệ thống tài liệu lưu trữ đúng để cuối cùng có thể xuất bản những ấn phẩm giá trị, đó cũng là cách lan tỏa giá trị của tài liệu lưu trữ tới công chúng.
Kiến trúc sư Mai Hưng Trung, người sáng lập dự án Hanoi Ad hoc:
Đem thông tin lưu trữ đến gần hơn với giới trẻ
Thư viện Việt Nam lưu giữ nhiều nghiên cứu về lịch sử, kiến trúc, đô thị, nhưng những tri thức đó ít đến được với cộng đồng. Khi bắt đầu một dự án, tôi luôn tìm hiểu công trình đó có lịch sử như thế nào, đã hình thành và biến đổi ra sao trong quá khứ. Tôi cho rằng, chỉ khi hiểu kỹ về quá khứ thì mới có thể đưa ra được hướng tiếp biến trong tương lai. "Hanoi Ad hoc" được thành lập từ 2021 và từ đó bắt đầu nghiên cứu về di sản công nghiệp của Hà Nội.
Từ dữ liệu thu thập được và lưu trữ, chúng tôi dựng các video clip, thiết kế đồ họa để kể các câu chuyện không chỉ về lịch sử hình thành của công trình di sản công nghiệp mà còn tập trung vào câu chuyện về nhà máy đó đã có ảnh hưởng hay góp phần hình thành thói quen, tập tục, lối sống của cư dân đô thị như thế nào. "Hanoi Ad hoc" tạo ra các sản phẩm gần gũi với giới trẻ, kể câu chuyện vui nhộn hơn và có lưu trữ của riêng mình. "Hanoi Ad hoc" còn tổ chức các cuộc thi sáng tạo, tạo cơ hội cho mọi người thấy rõ rằng không gian sống trong thành phố thuộc về tất cả mọi người, quyền tìm ra “tương lai” cho thành phố là của tất cả mọi người.