Văn hóa

Đưa di sản tư liệu đến với công chúng: Khi những tài liệu lưu trữ được "thổi hồn"

Vân Hạ 13/01/2024 10:00

Đã qua rồi thời mà chỉ những nhà nghiên cứu, những người đã có tuổi mới đến các cơ quan lưu trữ để tìm tài liệu cho mình. Giờ đây, chính tài liệu lưu trữ đang “đi tìm” công chúng của mình thông qua các loạt chương trình hoạt động mà những người làm công tác lưu trữ đã và đang nỗ lực tổ chức.

Nâng cao vai trò của tài liệu lưu trữ, đưa tài liệu lưu trữ tiếp cận với cộng đồng, đặc biệt là người trẻ, đó là phần việc ngày càng được quan tâm nhằm góp phần phát huy giá trị di sản tư liệu.

vh1.jpg
Không gian trưng bày “Châu bản triều Nguyễn - Ký ức một triều đại”. Ảnh: TTLTQG I

Nhiều hoạt động ý nghĩa

Nhìn lại một năm hoạt động của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I - Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, có thể thấy tài liệu lưu trữ đã cất lên những thanh âm đầy màu sắc, đa dạng và cuốn hút người xem đến thế nào. Rất nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức, như triển lãm “Dấu ấn Thành Nam”, triển lãm “Đà Nẵng nhìn từ biển” qua di sản tư liệu thế giới châu bản triều Nguyễn, triển lãm 3D “Báo chí ở Việt Nam trước năm 1945”, tọa đàm "Chia sẻ kinh nghiệm công bố tài liệu lưu trữ quốc gia”, triển lãm trực tuyến “Bình Định theo dòng lịch sử”, không gian trưng bày “Trở về Trung thu xưa”, triển lãm “Thành xưa Phố cũ”, không gian trưng bày “Châu bản triều Nguyễn - Ký ức một triều đại”, triển lãm 3D "Thưởng - Phạt: Chuyện xưa chưa cũ"...

Tất cả đều thu hút khá đông người tham dự mà qua đó, có thể thấy không ít bạn trẻ quan tâm đến di sản văn hóa, lịch sử quốc gia, dân tộc. Tính đa dạng và sự sinh động, hấp dẫn ở loạt hoạt động nói trên còn thể hiện ở chỗ, nhiều người trẻ đã tìm thấy ở đó những góc “check-in” mới.

Không nằm im lìm trên các kệ sách, tài liệu lưu trữ đã từng bước được giới thiệu đến công chúng bằng những hoạt động như thế. Nếu nhiều hiện vật của các bảo tàng thường phải cần thêm thông tin giới thiệu hoặc cần có hướng dẫn viên để người xem hiểu được chủ đề, hiện vật thì nhiều tài liệu lưu trữ, với thế mạnh văn bản, đã có thể tự “cất lời”. Triển lãm “Cầu Long Biên - chứng nhân lịch sử” do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I phối hợp với Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và cơ quan lưu trữ quốc gia Pháp tổ chức là một ví dụ.

Triển lãm giới thiệu đến công chúng hơn 100 bản vẽ, tài liệu lưu trữ và hình ảnh về cây cầu từ năm 1898 đến năm 1975, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên được công bố rộng rãi. Bố cục theo dòng thời gian với 3 phần, gồm “Cây cầu sinh ra từ ý tưởng điên rồ!”, “Bên cầu Long Biên”, “Ký ức cầu Long Biên trong chúng ta”, triển lãm còn trưng bày nhiều tranh, ảnh và hiện vật của các cá nhân trong và ngoài nước để góp phần dựng lại di sản ký ức, vẽ nên bức tranh đa sắc về lịch sử cầu Long Biên kể từ khi ra đời cho đến ngày nay.

Thông tin từ Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam mới đây cho thấy, Chính phủ Pháp tài trợ không hoàn lại một khoản kinh phí để Hà Nội nghiên cứu cải tạo cầu Long Biên. Với phần việc này, sự tham gia của tài liệu lưu trữ là không thể thiếu.

Bà Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cho biết: “Chúng tôi thường xuyên lắng nghe xem xã hội cần gì, từ đó đưa ra tài liệu lưu trữ để phục vụ. Chúng tôi đánh thức tài liệu lưu trữ, giúp tài liệu lưu trữ thể hiện giá trị đối với cuộc sống. Những câu chuyện xung quanh tài liệu lưu trữ và từ tài liệu lưu trữ sẽ được kể một cách hấp dẫn, đầy đủ, chính xác nhất”.

Những gì đã và đang diễn ra cho thấy, khi mỗi người, dù là người làm trong ngành lưu trữ hay công chúng thưởng thức, cùng quan tâm, truyền cảm hứng và tạo động lực thì các trung tâm lưu trữ sẽ thực sự trở thành một điểm đến văn hóa hấp dẫn.

vh2.jpg
“Hoàng đế chi bảo” - một trong những kim ấn quan trọng nhất của triều Nguyễn đã được hồi hương. Ảnh: Lê Bích

Nâng cao nhận thức về di sản tư liệu

Đánh giá tầm quan trọng của di sản tài liệu, ngay từ năm 1992, UNESCO đã khởi xướng chương trình Ký ức thế giới (Memory of the World, viết tắt là MOW). Chương trình này nhằm mục đích tạo điều kiện bảo tồn di sản tư liệu thông qua những kỹ thuật phù hợp nhất; hỗ trợ việc tiếp cận di sản tư liệu trên phạm vi toàn cầu; nâng cao nhận thức trên toàn thế giới về sự tồn tại và tầm quan trọng của di sản tư liệu; đưa ra cảnh báo chung với các chính phủ và công chúng về việc bảo tồn và tiếp cận các di sản tư liệu.

Di sản tư liệu có thể ở dạng văn bản như các bản thảo, sách, báo, áp phích, thư từ, tập tin máy tính...; các bản vẽ, bản đồ, bản nhạc, sơ đồ, đồ họa...; các tài liệu nghe nhìn như đĩa âm thanh, băng từ, phim, ảnh... Vật mang tin có thể là giấy, nhựa, da, lá cây, vỏ cây, đá, vải, kim loại, thậm chí là tư liệu ảo như trang web và các tài liệu số khác. Với những giá trị đặc biệt về nội dung và hình thức, nhiều di sản tư liệu của Việt Nam đã vượt khỏi tầm quốc gia để trở thành Di sản tư liệu thế giới như Mộc bản triều Nguyễn, Bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Châu bản triều Nguyễn, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, cuốn sách “Hoàng hoa sứ trình đồ” (“Hành trình đi sứ Trung Hoa”)...

Tài liệu lưu trữ đóng vai trò vô cùng quan trọng mà nếu thiếu chúng, thậm chí thế giới khó có thể xác thực tính pháp lý, chứng minh nhiều vấn đề tối quan trọng như bảo vệ chủ quyền biển đảo hay góp phần “lên tiếng” để các bảo vật quốc gia có thể “hồi hương”. Bởi thế, nâng cao nhận thức về tài liệu lưu trữ, về di sản tư liệu là hết sức cần thiết.

Pháp lệnh về lưu trữ quốc gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã khẳng định: “Tài liệu lưu trữ quốc gia là di sản của dân tộc, có giá trị đặc biệt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Cuộc thi "Thắp sáng ký ức" được Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tổ chức gần đây đã thu hút nhiều ý tưởng sáng tạo, cho thấy tài liệu lưu trữ nói chung và di sản tư liệu nói riêng đang ngày càng nhận được sự quan tâm từ cộng đồng.

Bà Dương Ngọc Hà, Trưởng phòng Giáo dục - Truyền thông, Trung tâm hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chia sẻ: “Di sản và giới trẻ cần có sự gắn kết với nhau, bởi càng hội nhập, càng kết nối với quốc tế thì càng cần định vị mình là ai, mình từ đâu tới, càng phải hiểu nguồn cội văn hóa và bản sắc di sản của mình. Tuy nhiên, không thể chỉ đơn giản nhắc đi nhắc lại rằng di sản tư liệu rất quan trọng là việc đã xong.

Thực tế, di sản và giới trẻ hiện vẫn có một khoảng cách, có thể thấy điều đó qua việc nhiều di tích, bảo tàng ở các địa phương rất vắng khách. Vì thế, muốn đưa di sản tư liệu tiếp cận công chúng một cách rộng rãi, đặc biệt là với giới trẻ, những người làm công tác bảo tàng, di tích hay lưu trữ chỉ có cách tự thay đổi mình, luôn sáng tạo để có cách phù hợp đưa di sản đến gần với công chúng”.

vh3.jpg
vh4.jpg
Châu bản triều Nguyễn - chứng cứ lịch sử, pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa - Trường Sa. Ảnh: TTLTQG I

Theo Tiến sĩ Cam Anh Tuấn, Trưởng khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), trong chương trình học về lưu trữ có các môn học về marketing lưu trữ, truyền thông trong lưu trữ để giúp người học lĩnh hội những cách đưa tài liệu lưu trữ từ kệ sách đi ra cộng đồng, góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tài liệu lưu trữ. Trong đời sống thực tế, mỗi cá nhân, gia đình đều lưu giữ ít nhiều những thứ liên quan và có ý nghĩa đối với cuộc sống của bản thân mình, chẳng hạn như thư từ, bản thảo, nhật ký, tài liệu, sách báo...

Tiến sĩ Cam Anh Tuấn cho rằng: “Mỗi người có quyền tạo lập di sản của riêng mình và lưu trữ nó, điều quan trọng là chúng ta cần lưu trữ một cách có trách nhiệm, nhận thức rõ về mọi thứ mà mình viết ra, nói ra”.

Với quan điểm về lưu trữ hiện đại, mọi thứ đều có thể trở thành tài liệu lưu trữ và trong tương lai, nhiều tài liệu lưu trữ rất có thể sẽ trở thành di sản tư liệu. Như bạn trẻ Phạm Hữu Lộc chia sẻ: “Chúng ta lưu giữ mà có thể không biết tài liệu lưu trữ ấy rồi sẽ để làm gì. Nhưng mười năm, một trăm năm sau, biết đâu tài liệu ấy lại có giá trị vô cùng lớn với đời sau. Cá nhân tôi rất xúc động khi mới đây tình cờ tìm thấy một bản tấu của cụ tôi, có từ khoảng 200 năm trước”.

Nhiều năm qua, tài liệu lưu trữ như một nàng công chúa ngủ quên. Giờ đây, nếu mỗi cá nhân, mỗi gia đình và xã hội đều có ý thức lưu giữ và biết cách lưu trữ ký ức gia đình thì thế hệ sau mới biết được, hiểu được rằng thế hệ cha ông đã sống như thế nào.