Bạn đọc

Siết chặt kiểm soát thuyền, đò chở khách vào chùa Hương

Thu Hằng 13/01/2024 - 06:36

Để bảo đảm an toàn cho du khách, năm 2024, huyện Mỹ Đức triển khai nhiều giải pháp siết chặt kiểm soát thuyền, đò chở khách vào chùa Hương.

Đây cũng là nỗ lực nhằm thực hiện kế hoạch đổi mới công tác quản lý và tổ chức lễ hội chùa Hương của huyện Mỹ Đức.

chua-huong.jpg
Hiện có gần 4.000 chiếc thuyền, đò được người dân đăng ký vận chuyển khách tại Lễ hội chùa Hương năm 2024.

Bất cập trong vận chuyển khách

Sau hai năm không tổ chức lễ hội do đại dịch Covid-19, ngày 27-1-2023 (tức mùng 6 tháng Giêng năm Quý Mão), tại Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương), Ban tổ chức lễ hội chùa Hương đã tổ chức khai hội trở lại. Thực hiện kế hoạch đổi mới công tác quản lý và tổ chức lễ hội chùa Hương năm 2023, Ban tổ chức triển khai đồng thời nhiều nhiệm vụ, giải pháp để lễ hội chùa Hương diễn ra an toàn, văn minh, thân thiện.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh cho biết, tại lễ hội chùa Hương năm 2023, Ban tổ chức thực hiện đổi mới đồng thời ở tất cả các lĩnh vực, nhiệm vụ. Nhìn chung, công tác tổ chức lễ hội chùa Hương năm 2023 để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách và người dân địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình tổ chức lễ hội chùa Hương năm 2023 vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là trong công tác quản lý thuyền, đò vận chuyển hành khách dọc suối Yến, chùa Hương.

Khắc phục những hạn chế trong công tác vận chuyển khách bằng thuyền đò, ngay sau mùa lễ hội, Ban tổ chức đã đánh giá, làm rõ nguyên nhân. Đó là do việc vận chuyển khách bằng thuyền, đò tại lễ hội vẫn làm theo tự phát, thời vụ (người dân, lái đò trong và ngoài xã Hương Sơn tự kiếm khách, chở khách…), dẫn đến xảy ra tình trạng thuyền, đò chở quá số người quy định, chở khách bằng xuồng máy. Để có khách, nhiều hộ kinh doanh thuyền, đò đã thuê người đi đón, bám đuổi theo khách dọc các tuyến đường bộ hướng về lễ hội; rồi chèo kéo, xin thêm tiền chở đò của khách; bán hàng rong bằng đò trên suối Yến…

Nhằm khắc phục những tồn tại trên, UBND huyện Mỹ Đức, Ban tổ chức lễ hội đã chỉ đạo xã Hương Sơn chủ trì, phối hợp với các ngành hữu quan triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng vận chuyển khách bằng thuyền, đò tại lễ hội chùa Hương năm 2024 và những năm tiếp theo.

Triển khai nhiều giải pháp

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh, giải pháp được ưu tiên triển khai nhằm siết chặt quản lý, vận chuyển khách bằng thuyền, đò là thành lập Hợp tác xã Dịch vụ du lịch chùa Hương. Việc này nhằm thực hiện mục tiêu thống nhất việc quản lý, vận chuyển khách bằng thuyền, đò về một mối, khắc phục tình trạng người dân vận chuyển khách tự phát như trước. Hợp tác xã được thành lập cũng sẽ bảo đảm công bằng về thu nhập, việc làm đối với các lái đò, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”, chèo kéo, đeo bám khách...

Về phía cơ sở, Chủ tịch UBND xã Hương Sơn Bùi Văn Triều thông tin, đối với người dân có thuyền, đò chưa tham gia vào hợp tác xã, xã Hương Sơn phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường quản lý, vận chuyển khách dọc suối Yến. Cụ thể, xã yêu cầu tất cả lái đò ký cam kết thực hiện nghiêm quy định của Ban tổ chức; không được chèo kéo khách, thỏa thuận xin thêm tiền chở đò của khách; 100% lái đò phải tham dự các lớp tập huấn, hướng dẫn chuyên môn về vận tải hành khách đường thủy nội địa trước khi tham gia vận chuyển khách tại lễ hội.

"Đặc biệt, tại lễ hội chùa Hương năm 2024 trở đi, Ban tổ chức nghiêm cấm sử dụng xuồng máy để chở khách; tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm lái đò vi phạm...", ông Bùi Văn Triều cho biết thêm.

Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ du lịch chùa Hương (đơn vị vận chuyển khách bằng thuyền, đò tại suối Yến, chùa Hương) Phạm Anh Minh chia sẻ, dù còn gặp nhiều khó khăn, song ngay sau khi thành lập (tháng 5-2023), cùng với đẩy mạnh tuyên truyền tới nhân dân mục đích, ý nghĩa của việc thành lập hợp tác xã, rà soát số lái đò, số thuyền, đò trên địa bàn để vận động các hộ dân tham gia vào hợp tác xã, đơn vị đã thành lập 6 chốt trạm điều hành, kiểm soát thuyền, đò; thành lập tổ cứu hộ, cứu nạn thường xuyên ứng trực, kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở lái đò thực hiện tốt quy chế của Ban tổ chức lễ hội và hợp tác xã, tiếp nhận và xử lý lái đò vi phạm quy chế.

“Đến nay đã có 633 xã viên đăng ký tham gia góp vốn vào hợp tác xã. Hiện có gần 4.000 chiếc thuyền, đò được người dân đăng ký vận chuyển khách tại lễ hội chùa Hương năm 2024. Để thuận tiện trong công tác quản lý, tất cả các thuyền, đò đăng ký vào hợp tác xã sẽ được sơn màu xanh, đánh số, có lô gô hợp tác xã, trang bị đầy đủ áo phao, vật nổi… theo quy định”, ông Phạm Anh Minh thông tin.

Ông Phạm Văn Ba (xóm 6, thôn Yến Vỹ, xã Hương Sơn) với 14 năm chèo đò tại chùa Hương cho hay: "Với những giải pháp và yêu cầu Ban tổ chức, hợp tác xã, cơ quan chức năng đưa ra, chúng tôi cam kết sẽ thực hiện nghiêm, góp phần tạo nên thành công của lễ hội chùa Hương năm 2024".

Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm siết chặt công tác quản lý, vận chuyển hành khách bằng thuyền, đò không chỉ bảo đảm quyền lợi người lái đò, hành khách, bảo đảm an ninh trật tự, mà còn góp phần để lễ hội chùa Hương năm 2024 diễn ra an toàn, văn minh, thân thiện.