Hà Nội kết nối

TP Hồ Chí Minh: 1.218 cơ sở giáo dục mầm non cho trẻ làm quen tiếng Anh

Nghiêm Ý - Vân Trang 12/01/2024 - 16:02

Ngày 12-1, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả tổ chức cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh trên địa bàn thành phố.

343656.jpg
Thành phố Hồ Chí Minh có trên 57% trẻ làm quen tiếng Anh. Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, toàn thành phố có 1.218 cơ sở giáo dục mầm non triển khai cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh theo Thông tư 50/2020/TT-BGDĐT ngày 31-12-2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, số trường công lập là 449 trường;, trường dân lập, tư thục là 401 trường; số lớp mẫu giáo độc lập tư thục là 368 lớp.

Tổng số trẻ tham gia chương trình làm quen tiếng Anh là 156.878 trẻ (57,37%). Trong đó trẻ từ 3-4 tuổi là 39.958 trẻ; trẻ từ 4-5 tuổi là 55.524 trẻ; trẻ từ 5-6 tuổi là 61.396 trẻ.

Tổng số giáo viên tham gia giảng dạy trong chương trình là 3.181 giáo viên. Trong đó, giáo viên Việt Nam là 2.295, tỷ lệ 72,1%, giáo viên bản ngữ là 232, tỷ lệ 7,3%. Có hơn 180 đơn vị đang phối hợp thực hiện chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non.

Tại hội thảo, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Lương Thị Hồng Điệp cho biết: Việc cho trẻ làm quen tiếng Anh bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giúp trẻ sớm làm quen với ngôn ngữ thứ 2. Thông qua việc học tiếng Anh, trẻ mạnh dạn hơn trong giao tiếp, hứng thú, không áp lực. Trẻ được tìm tòi, trải nghiệm, khám phá môi trường xung quanh dưới nhiều hình thức đa dạng theo phương châm “chơi mà học, học mà chơi”.

23254545.jpg
Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, chương trình được thiết kế, xây dựng dựa trên chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm, bảo đảm tính khoa học, vừa sức, nguyên tắc đồng tâm phát triển từ dễ đến khó, liên thông giữa các độ tuổi, định hướng phát triển năng lực giao tiếp cho trẻ… Đặc biệt, việc triển khai chương trình nhận được sự đồng thuận, quan tâm và phối hợp hiệu quả của cha mẹ với nhà trường.

Tuy nhiên, số trẻ tham gia làm quen tiếng Anh tại các cơ sở nhóm lớp độc lập còn thấp, do cơ sở vật chất chưa bảo đảm các điều kiện tổ chức. Trẻ mẫu giáo ở các huyện ngoại thành trong diện hộ cận nghèo không có cơ hội tiếp cận ngoại ngữ do vấn đề kinh phí.

Để khắc phục những khó khăn trên, theo bà Lương Thị Hồng Điệp, ngành Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra nhiều giải pháp như: Định hướng phòng giáo dục chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non, đơn vị phối hợp nâng cao chất lượng tổ chức chương trình; tạo điều kiện để các đơn vị tham gia học tập, chia sẻ mô hình; tăng cường kiểm tra giám sát các cơ sở giáo dục mầm non trong việc phối hợp với đơn vị tổ chức…