Quỹ đầu tư mạo hiểm và Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát: Động lực thúc đẩy kinh tế Thủ đô phát triển bền vững
Ngày 12-1, tại Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội thảo về “Quỹ đầu tư mạo hiểm và Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong một số lĩnh vực khoa học và công nghệ”. Đồng chí Lê Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn nêu rõ, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV. Trên cơ sở đó, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 307/KH-UBND ngày 18-12-2023 về việc tổ chức các hội thảo để xin ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Các nội dung liên quan đến Quỹ đầu tư mạo hiểm và Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong một số lĩnh vực khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô là những nội dung quan trọng, mới, được quy định trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Qua các ý kiến đóng góp tại hội thảo hôm nay, Ban tổ chức sẽ tiếp thu, làm căn cứ để giải trình, hoàn thiện về 2 nội dung này trong dự thảo Luật.
10 tham luận và ý kiến trình bày tại hội thảo đã tập trung vào các vấn đề: Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về Quỹ đầu tư mạo hiểm; vai trò hỗ trợ/đầu tư của Nhà nước trong đầu tư mạo hiểm; thực tiễn hoạt động của một số Quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam; vai trò, chức năng của Quỹ đầu tư mạo hiểm đối với các công trình nghiên cứu khoa học xuất phát từ trường đại học, viện nghiên cứu; hiện trạng tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và thực hiện cơ chế thử nghiệm có kiểm soát; cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong một số lĩnh vực khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô...
Theo Giám đốc Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo BestB Phạm Anh Cường, Quỹ đầu tư mạo hiểm là một thực thể rất quan trọng thúc đẩy sự phát triển trong bất kỳ một nền kinh tế nào từ cấp vi mô tới vĩ mô, từ các nhà đầu tư cá nhân, các doanh nghiệp, tới thành phố và quốc gia. Đưa ra một số đề xuất về cơ cấu nguồn vốn huy động và đối tượng đầu tư mạo hiểm, ông Phạm Anh Cường cho rằng, cần “xã hội hóa” để nguồn vốn của Quỹ được dồi dào và không nên bó hẹp đầu tư mạo hiểm chỉ là đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, mà nên tính cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp truyền thống có mong muốn số hóa, tự động hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa...
“Chúng ta nên hiểu Đầu tư mạo hiểm cũng chính là Đầu tư tác động. Bởi khi đồng tiền đầu tư mạo hiểm rót vốn trực tiếp vào các doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp phát triển, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nên ít nhất đã tác động tích cực vào vấn đề an sinh của Thủ đô. Ngoài ra, doanh nghiệp có thêm vốn đầu tư mạo hiểm sẽ tạo ra nhiều của cải vật chất hơn, hàng hóa dịch vụ chất lượng hơn, quy mô hơn, bài bản và chuyên nghiệp hơn, tác động trực tiếp tới thị trường tiêu dùng và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người. Hơn thế nữa, Quỹ đầu tư mạo hiểm có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế Thủ đô bền vững theo hướng ESG (Environmental - Môi trường, Social - Xã hội và Governance - Quản trị) và có thể đem lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và cộng đồng”, ông Phạm Anh Cường nhấn mạnh.
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) Chu Thị Hoa cho rằng, để thiết kế và vận hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát ở Việt Nam cần khung pháp lý về sandbox - phương pháp hỗ trợ hệ thống pháp lý thúc đẩy đổi mới sáng tạo, dựa trên nguyên lý “vừa học, vừa làm”. Vì vậy, cần thiết lập các quy định của khung pháp lý thử nghiệm theo hướng mở, linh hoạt, cho phép nhanh chóng điều chỉnh.
Theo TS Chu Thị Hoa, khung pháp lý thí điểm sandbox không áp dụng đại trà mà chỉ dành cho một số ít các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đáp ứng đủ các điều kiện mà sandbox đặt ra. Do đó, cơ quan quản lý cần đưa ra tiêu chí cụ thể (về quy mô, ngành nghề, nội dung, ý tưởng kinh doanh…) để sàng lọc, tuyển chọn start-up tham gia sandbox. Một trong những tiêu chuẩn tuyển chọn start-up tham gia sandbox là các dịch vụ tài chính phải có “tính mới”, hoặc công nghệ sử dụng trong dịch vụ đó phải sáng tạo.
Ông Dương Thành Nhân, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, việc xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để khuyến khích phát triển khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo, phát triển sản phẩm dịch vụ, mô hình kinh doanh mới là phù hợp với yêu cầu thực tiễn và cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, định hướng của Chính phủ.
Theo ông Dương Thành Nhân, khi xây dựng, triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, cần xem xét đến những yếu tố sau: Những người cung cấp sản phẩm, dịch vụ truyền thống; khoảng thời gian thử nghiệm (thay đổi tùy theo loại và mục tiêu của từng sandbox, nhưng phải có giới hạn về thời gian để giữ cho quy trình diễn ra linh hoạt và ngăn chặn các mô hình kinh doanh kém phát triển hoạt động vô thời hạn); sự giám sát từ cơ quan quản lý; sự hỗ trợ từ Chính phủ, cơ quan quản lý...
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, quỹ đầu tư mạo hiểm và cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong một số lĩnh vực khoa học và công nghệ trọng điểm đã được đưa vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và đã được các đại biểu thảo luận và nhất trí cao. Tuy nhiên, Quỹ đầu tư mạo hiểm đang nằm trong lĩnh vực thử nghiệm, giải pháp mới, công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, do vậy Quỹ là loại hình có thời hạn, có kiểm soát.
Qua ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, cũng như doanh nghiệp tại hội thảo, cần phải điều chỉnh lại mô hình của quỹ đầu tư mạo hiểm, kèm theo đó là điều lệ, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy, cơ chế điều hành... Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ khó và thách thức. Bên cạnh nhiệm vụ nghiên cứu, tiếp thu và hoàn chỉnh quy phạm pháp luật Luật Thủ đô, UBND thành phố còn phải chuẩn bị các văn bản hướng dẫn. Trên tinh thần đó, đồng chí đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ là đầu mối, tiếp tục cơ chế đặt hàng với tổ chức, cá nhân từng nhiệm vụ cụ thể, rõ đầu bài, rõ đầu ra.