Công nghệ

Nhật Bản phóng thành công vệ tinh viễn thám mới

Hoàng Linh 12/01/2024 - 14:43

Ngày 12-1, hãng thông tấn Kyodo cho biết, tên lửa đẩy do Mitsubishi Heavy Industries sản xuất đã phóng thành công vệ tinh viễn thám “Optical-8” của Nhật Bản vào không gian.

japan_1.jpg
Tên lửa đẩy H-IIA đưa vệ tinh mới của Nhật Bản lên quỹ đạo ngày 12-1-2024.

Vệ tinh được tên lửa đẩy H-IIA, do Mitsubishi Heavy Industries sản xuất, đưa vào quỹ đạo từ Trung tâm Vũ trụ Tanegashima phía Tây Nam Nhật Bản.

Lần phóng vệ tinh thứ 48 của Nhật Bản kể từ năm 2001 này cũng nâng tỉ lệ phóng thành công của loại vệ tinh do Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) phát triển lên 97,92%.

Hiện, Nhật Bản dự kiến dừng sử dụng vệ tinh H-IIA sau 2 lần phóng tiếp theo, để chuyển sang sử dụng loại H-III. Tuy nhiên, thế hệ vệ tinh mới này vẫn gặp rắc rối sau vụ phóng thử nghiệm thất bại hồi tháng 3-2023.

Trong vụ phóng này, chế độ tự hủy đã được kích hoạt sau ít phút tên lửa được phóng đi vì động cơ giai đoạn 2 của tên lửa hoạt động không như tính toán. Trước đó hồi tháng 2, JAXA đã phải hủy vụ phóng tên lửa H-III do có ít nhất một động cơ đẩy của tên lửa không kích hoạt mặc dù động cơ chính đã hoạt động.

Sau những thất bại trước đó, tên lửa H-III giờ đây sẽ được trang bị một thiết bị để kiểm tra hoạt động của tên lửa, cùng với hai vệ tinh phụ nhỏ. Đợt phóng thử tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 15-2-2024 tới đây.

H-III đánh dấu nỗ lực khả thi đầu tiên của Nhật Bản trong suốt 20 năm qua nhằm phát triển thế hệ tên lửa mới. Dù H-III được kỳ vọng sẽ giúp Nhật Bản củng cố vị trí trong cuộc đua phát triển tên lửa phục vụ mục đích thương mại đang ngày càng trở nên cạnh tranh, quá trình phát triển tên lửa này gặp nhiều khó khăn.

Nhật Bản cũng muốn sử dụng H-III tham gia các nhiệm vụ đưa hàng hóa lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS).

Ước tính chi phí chế tạo 1 tên lửa H-III là 5 tỷ yen (37 triệu USD), chỉ bằng một nửa so với chi phí chế tạo H-IIA, nhưng lại có năng lực phóng vệ tinh cao hơn 1,3 lần.