Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Gia Lâm
Từ năm 2021 đến nay, huyện Gia Lâm đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng được 304,13ha, hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất rau, hoa, quả tập trung, đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 5-10 lần so với trồng lúa, đạt trung bình từ 350 đến 400 triệu đồng/ha/năm, một số mô hình doanh thu hơn 1 tỷ đồng/ha/năm.
Chất lượng nông sản được nâng cao, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc; đưa vào các chuỗi siêu thị lớn như Aeon, Big C, Metro, cửa hàng sạch tiện ích, bếp ăn tập thể...
Trong số các xã của huyện Gia Lâm, xã Phù Đổng tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao. UBND xã đã xây dựng, triển khai thực hiện “Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng nông nghiệp chuyên canh xã Phù Đổng giai đoạn 2021-2025”. Phó Chủ tịch UBND xã Phù Đổng Nguyễn Văn Tài cho biết, đến nay, toàn xã có 293,49ha được chuyển đổi, trong đó có 139,23ha trồng hoa cây cảnh, 154,26ha trồng cây ăn quả. Giá trị thu nhập đối với hoa, cây cảnh đạt trung bình 900 triệu đồng/ha/năm, cây ăn quả đạt hơn 300 triệu đồng/ha/năm.
Điển hình là mô hình trồng hoa giấy của gia đình ông Nguyễn Văn Hạnh ở thôn Phù Đổng 1, trên tổng diện tích 6 mẫu. Tích cực nắm bắt xu thế thị trường, thị hiếu khách hàng, hằng năm, ông Hạnh nghiên cứu, uốn, ghép, đưa ra thị trường những cây hoa giấy được tạo dáng bàn trà mini, cây thông Noel hoặc tạo ra nhiều dáng cây đáp ứng nhu cầu khách hàng bày chậu hoa trong nhà, trên ban công, đặt cạnh bể cá, góc sân, cổng…
Ông Hạnh chia sẻ: “Gia đình tôi trồng gối từ 5.000 đến 6.000 cây hoa giấy. Sau hơn hai năm mới khai thác dần 70% số cây, tạo dáng để bán ra thị trường. Những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 này, nhu cầu mua hoa giấy cảnh rất cao. Mỗi ngày tôi bán được từ 80 đến 100 cây. Doanh thu từ vườn hoa giấy cảnh đạt hơn 1 tỷ đồng/năm”...
Tương tự, mô hình trồng hoa trong nhà lưới, diện tích hơn 2.000m2, có sử dụng hệ thống điều khiển ánh sáng và nhiệt độ tự động tại thôn Tô Khê (xã Phú Thị) cũng đang cho hiệu quả kinh tế cao. Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Gia Lâm Lê Văn Luân cho biết, đơn vị triển khai mô hình trồng lan hồ điệp trong nhà lưới, cho ra hoa với nhiều màu sắc như trắng, phấn hồng, đỏ, vàng… Do ứng dụng công nghệ hiện đại nên có thể cho cây nở hoa bất kỳ thời điểm nào trong năm. Mỗi năm, mô hình cung ứng cho thị trường hơn 30.000 cây hoa lan, doanh thu đạt hơn 1,2 tỷ đồng/năm.
“Chúng tôi mong muốn được cấp có thẩm quyền tiếp tục cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng để mở rộng diện tích trồng lan lên gấp 2-3 lần, vừa giúp tăng thu nhập, vừa tạo thêm việc làm cho lao động địa phương”, ông Luân chia sẻ thêm.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thị Nguyễn Thị Lan cho biết, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, địa phương đang thực hiện mô hình trồng các loại cây thảo dược tại Chi hội thôn Phú Thụy, diện tích gần 10.000m2, phục vụ sản phẩm dầu gội dược liệu Phú Thụy. Hội cũng đang đề xuất huyện cho đăng ký sản phẩm OCOP dầu gội dược liệu. Cùng với đó, Hội Nông dân xã phối hợp với hợp tác xã duy trì 10ha chuối sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, duy trì nhãn hiệu tập thể bưởi Phú Thị do Hội làm chủ sở hữu với diện tích 7ha, cho hiệu quả kinh tế cao.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Gia Lâm, năm 2023, huyện duy trì, mở rộng và cấp mới 95ha sản xuất rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP tại 2 hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức và Yên Viên; mở rộng thêm 60ha trồng cây ăn quả tại các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp: Kim Sơn, Đa Tốn, Đông Dư... góp phần nâng diện tích sản xuất rau, quả VietGAP toàn huyện lên 515,73ha. Trong đó, diện tích trồng rau 170,5ha, diện tích trồng cây ăn quả 345,23ha. Các mô hình rau, quả VietGAP, trồng hoa ứng dụng công nghệ cao cho doanh thu 500-600 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/ha/năm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học thông tin, năm 2024, huyện tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thực hiện quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch vùng sản xuất, xây dựng kế hoạch định hướng phát triển nông nghiệp tập trung tại 6 xã có vùng phát triển nông nghiệp ổn định như: Kim Sơn, Văn Đức, Lệ Chi, Dương Quang…; tiếp tục duy trì, phát triển 1.693,5ha diện tích rau, quả an toàn tại các vùng sản xuất chuyên canh… Định hướng đến năm 2025, toàn huyện có diện tích trồng rau, cây ăn quả an toàn, VietGAP hơn 1.860ha; hoa, cây cảnh hơn 372ha, góp phần nâng cao chất lượng nông sản cho người tiêu dùng và tăng thu nhập cho người sản xuất.