Xã hội

Thay đổi nếp nghĩ để có cuộc sống tốt hơn

Dương Linh 12/01/2024 - 06:30

Triển khai các hoạt động bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đã thành lập các tổ truyền thông cộng đồng, triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả.

Qua đó, nếp nghĩ, cách làm của cộng đồng dần thay đổi, giúp phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số có cuộc sống ngày một tốt hơn.

truyen-thong.jpg
Tổ truyền thông cộng đồng xã Ba Trại (huyện Ba Vì) tuyên truyền về bình đẳng giới tại nhà cho người dân.

Liên tục truyền thông

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương thông tin, Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Triển khai dự án này, các cấp Hội Phụ nữ thành phố xây dựng tổ truyền thông cộng đồng tại nhiều xã vùng đồng bào dân tộc với nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ các định kiến giới, những tập tục cổ hủ...

Ba Trại là một trong 7 xã miền núi của huyện Ba Vì được Hội Liên hiệp phụ nữ chọn làm điểm triển khai Tổ truyền thông cộng đồng từ tháng 4-2023. Tổ truyền thông cộng đồng xã Ba Trại gồm 10 thành viên là cán bộ thôn, cán bộ phụ nữ, đại diện các đoàn thể ở địa phương và những người có uy tín trong cộng đồng tự nguyện tham gia.

Tổ trưởng Tổ truyền thông xã Ba Trại kiêm Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn 8 Khuất Văn Cương cho biết: “Các thành viên trong tổ thường xuyên thăm hỏi các gia đình, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con; lồng ghép nội dung tuyên truyền với việc giải quyết các vướng mắc, khó khăn của người dân. Mặt khác, hệ thống loa truyền thanh của thôn cũng thường xuyên thông tin về bình đẳng giới, hậu quả của bạo lực gia đình...”.

Sau huyện Ba Vì, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Thạch Thất đã thành lập 2 “Tổ truyền thông cộng đồng” tại xã Tiến Xuân và Yên Bình. Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Thạch Thất Khuất Thị Khuyên cho biết: “Để thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân cũng như xóa bỏ định kiến về giới, tập tục, thói quen có hại cho phụ nữ, trẻ em, trong năm 2023, các cấp Hội đã tổ chức hơn 100 cuộc tập huấn nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và kiến thức pháp luật cho phụ nữ dân tộc thiểu số, thu hút 95% hội viên phụ nữ tham gia. Không chỉ có phụ nữ mà nam giới cũng hào hứng vào cuộc”.

Tạo chuyển biến tích cực

Từ Tổ truyền thông cộng đồng đầu tiên ở xã Ba Trại, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ba Vì đã triển khai thêm 6 tổ truyền thông tại các xã dân tộc miền núi còn lại của huyện. Hiện tại, Ba Vì có 7 tổ truyền thông cộng đồng, với 66 thành viên (trong đó nam có 49 người, nữ có 17 người).

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ba Vì Đỗ Thị Thúy Hằng cho biết: “Sau gần một năm đi vào hoạt động, các tổ truyền thông cộng đồng đã từng bước giúp xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng, nhất là thay đổi những tập tục chưa tiến bộ, có hại trong cộng đồng dân cư. Nhiều gia đình sau khi được các thành viên Tổ truyền thông đến vận động đã thay đổi nếp tư duy, nam giới không còn nề hà việc “bếp núc” trong gia đình”.

Chị Bùi Thị Thiết, hội viên phụ nữ xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) chia sẻ, những tiến bộ về bình đẳng giới không phải ở đâu xa lạ mà diễn ra ngay trong từng gia đình. Ví dụ, vợ chồng chị có 2 con gái, nhưng không có ý định sinh thêm. Nếu như trước đây thì chắc chắn chị sẽ chịu ít nhiều áp lực để nhà “có nếp, có tẻ”.

“Nhưng nhờ cán bộ Hội, thành viên Tổ truyền thông cộng đồng tuyên truyền nên vợ chồng tôi đều thấy việc sinh thêm để có con trai là điều không cần thiết, miễn sao chăm sóc, nuôi dạy con được chu đáo”, chị Thiết bày tỏ.

Trưởng ban Tuyên giáo Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Hoàng Thu Hồng cho biết, đến tháng 12-2023, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố đã thành lập 16 tổ truyền thông cộng đồng tại 14 xã dân tộc miền núi. Các tổ truyền thông cộng đồng đã hết sức cố gắng, vừa đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vừa chắt lọc hình thức phù hợp với tập quán của đồng bào. Hoạt động của các tổ truyền thông không chỉ giúp người dân thay đổi nhận thức, hành động về bình đẳng giới và quyền lợi trẻ em mà còn góp phần hoàn thành các nhiệm vụ mà Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đề ra.

Thời gian tới, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội sẽ tổ chức thêm các lớp tập huấn nhằm trang bị kiến thức về bình đẳng giới và kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ phụ nữ cũng như các thành viên trong tổ truyền thông cộng đồng. Năm 2024, Hội tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương đẩy mạnh thực hiện Dự án 8, phấn đấu tạo chuyển biến tích cực rõ rệt trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy bình đẳng giới, giúp phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số, miền núi có cuộc sống tốt hơn.