Hà Nội kết nối

TP Hồ Chí Minh: CSGT phát hiện, xử lý 651.585 trường hợp vi phạm

Thúy Nhi - Nguyễn Lê 11/01/2024 - 19:15

Công an thành phố Hồ Chí Minh cho biết, không ít người vi phạm Luật Giao thông đường bộ đã bỏ phương tiện khi bị xử phạt, làm gia tăng số lượng phương tiện bị tạm giữ tại các kho, bãi.

Tại họp báo về kinh tế - xã hội và một số vấn đề dư luận quan tâm do Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông thành phố tổ chức chiều 11-1, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu (Công an thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Năm 2023, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) - Công an thành phố đã phát hiện, xử lý 651.585 trường hợp vi phạm, tạm giữ 1.537 xe ô tô, 153.493 xe mô tô, xe máy và 1.283 xe 3, 4 bánh; trong đó, có 128.149 trường hợp điều khiển xe ô tô, mô tô vi phạm liên quan nồng độ cồn (chiếm khoảng 19,6% tổng số vi phạm về giao thông).

Do mức phạt các lỗi này tương đối cao (đôi khi cao hơn giá trị phương tiện vi phạm) và có hình thức xử phạt bổ sung tước giấy phép lái xe nên không ít người vi phạm đã bỏ phương tiện khi bị xử phạt, làm gia tăng số lượng phương tiện bị tạm giữ tại các kho, bãi.

Mặc dù lực lượng CSGT đã cố gắng sắp xếp các phương tiện, tang vật tại các kho, bãi, tuy nhiên, diện tích kho, bãi tạm giữ phương tiện giao thông chưa đáp ứng nhu cầu. Nhiều đơn vị CSGT còn tận dụng khoảng trống tại trụ sở để làm nơi tạm giữ phương tiện vi phạm. Thống kê riêng của Phòng CSGT (Công an thành phố Hồ Chí Minh), hiện, còn thiếu hơn 10.000m² kho, bãi để tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính.

le-manh-ha-11-1.jpg
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu (Công an thành phố Hồ Chí Minh) thông tin tại họp báo.

Liên quan đến tội phạm dịp Tết, theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, thời gian gần đây, không chỉ riêng thủ đoạn “việc nhẹ, lương cao”, Công an thành phố còn ghi nhận các phương thức, thủ đoạn lừa đảo tinh vi như: Thủ đoạn giả mạo các thương hiệu, doanh nghiệp trong và ngoài nước đưa ra các chương trình “quà tặng, trúng thưởng Tết”, “khuyến mãi Tết”, “vé xe, vé máy bay Tết giá rẻ” hay dưới dạng “Hội thi áo dài Xuân”… với những giải thưởng, mặt hàng có giá trị hấp dẫn, rẻ hơn so với giá thị trường và tiếp cận nạn nhân thông qua cuộc gọi, tin nhắn hoặc tán phát trên các nền tảng mạng xã hội để dẫn dụ người dân tham gia, mua hàng và chiếm đoạt tài sản.

Đối với thủ đoạn tuyển dụng việc làm trực tuyến, đối tượng lợi dụng tâm lý người dân có “nhu cầu kiếm tiền” để lừa đảo thông qua việc hướng dẫn hỗ trợ mở cửa hàng trực tuyến trên Amazon, Shopee; vào các sàn xem video, tương tác bài viết trên mạng, đánh giá sản phẩm, giật đơn hàng ảo trên các sàn thương mại điện tử… để được chi hoa hồng, sau đó dẫn dụ đầu tư và lừa đảo.

Đối với thủ đoạn lừa đảo đầu tư tài chính, các đối tượng gọi điện, nhắn tin mời chào nạn nhân tham gia các “nhóm đầu tư thông minh”, “nhóm chuyên gia tài chính”, nhóm đầu tư chứng khoán quốc tế… với mục đích đưa nạn nhân vào các nhóm lừa đảo để thao túng, dẫn dụ nạp tiền đầu tư vào các website, ứng dụng do đối tượng tự tạo lập với danh nghĩa đầu tư chứng khoán online, dự đoán tăng giảm giá vàng, dầu hay giao dịch tiền ảo…

Trước tình hình trên, để bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, từ ngày 15-12-2023, Công an thành phố đã mở đợt cao điểm ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, tăng cường công tác đấu tranh, điều tra, xử lý các loại tội phạm nói chung và tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nói riêng và đạt được nhiều kết quả nổi bật trong gần một tháng ra quân cao điểm.

Để tránh mắc phải các bẫy lừa đảo của đối tượng, Công an thành phố cảnh báo người dân không tin vào lời mời tuyển dụng “việc nhẹ, lương cao” trên mạng xã hội, đặc biệt không tin vào lời hứa hẹn, mời gọi hấp dẫn công việc có thu nhập cao và dễ dàng; tuyệt đối không chấp nhận đặt cọc, ứng trước tiền; chỉ tìm việc thông qua trung tâm giới thiệu việc làm của nhà trường, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức, doanh nghiệp có địa chỉ, pháp nhân rõ ràng, nơi tuyển dụng phải có địa chỉ cụ thể.