Đề xuất một số giải pháp hoàn thiện chế độ hưu trí
Đời sống - Ngày đăng : 16:49, 28/12/2022
Theo đánh giá, trong các chế độ BHXH, thì chế độ hưu trí là xương sống, hạt nhân, có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động khi hết tuổi lao động. Tuy nhiên, qua thời gian triển khai thực hiện, một số quy định về chế độ hưu trí trong Luật BHXH năm 2014 cần thiết phải nghiên cứu điều chỉnh.
Cụ thể, tại Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TƯ, ngày 23-5-2018 về cải cách chính sách BHXH đề ra mục tiêu tổng quát: Cải cách chính sách BHXH để BHXH thực sự là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Cùng với đó là phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Đây chính là cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn để nghiên cứu hoàn thiện chế độ hưu trí cho phù hợp với sự phát triển hiện nay.
Hơn nữa, thực tế triển khai chính sách BHXH tại Việt Nam cho thấy, chính sách BHXH ngày càng mở rộng diện bao phủ, đồng nghĩa số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng tăng dần, nên chính sách cũng cần điều chỉnh. Dẫn chứng là, năm 2016, cả nước mới có 2,8 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng (trong đó hưởng lương hưu khoảng 2,3 triệu người), thì đến năm 2021, số người hưởng các chính sách là hơn 3,3 triệu người (trong đó số người hưởng lương hưu là 2,7 triệu người)…
Vấn đề cần quan tâm khác là, chính sách BHXH có vai trò trụ cột an sinh, nhưng số người tham gia còn tăng chậm, độ bao phủ BHXH còn thấp so với tiềm năng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu về số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội trong các giai đoạn tiếp theo. Ngoài ra, chế độ hưu trí hiện hành bộc lộ một số bất cập như: Mức đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất của một số nhóm đối tượng còn thấp so với mức lương thực tế của người lao động, số người rút BHXH một lần tăng; công thức tính lương hưu còn có sự khác biệt giữa khu vực nhà nước và ngoài nhà nước; còn thiếu công cụ quản lý người hưởng lương hưu…
Trước thực trạng đã nêu trên, nhóm nghiên cứu đề tài khoa học “Chế độ hưu trí theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 ở Việt Nam hiện nay và những đề xuất hoàn thiện” đã đề xuất một số giải pháp. Trong đó, giải pháp quan trọng là hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến các nội dung cải cách về chế độ hưu trí; tăng sự liên kết giữa các nhóm chính sách để tăng độ bao phủ BHXH, tăng số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng; tăng cường đầu tư cho an sinh xã hội…