Ngành Kế hoạch và Đầu tư phải làm tốt tham mưu chiến lược và kiến tạo phát triển
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả 3 đột phá chiến lược; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển đất nước.
Ngày 11-1, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo. Cùng dự còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.
Đẩy mạnh liên kết vùng, các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, năm 2023, nền kinh tế đã đạt những kết quả quan trọng, đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực. Trong đầu tư công, đã nỗ lực khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, chia cắt để tập trung nguồn lực đầu tư các công trình, dự án lớn, đường cao tốc, liên vùng, ven biển… tạo điều kiện cho đột phá hạ tầng, phục vụ phát triển đất nước.
Mặc dù khó khăn nhưng tăng trưởng GDP cả nước đạt 5,05%; lạm phát được kiểm soát ở mức 3,25%; kinh tế vĩ mô được bảo đảm; thu hút đầu tư nước ngoài tích cực…
Tuy nhiên, năm 2023 là năm thứ 3 liên tiếp tăng trưởng kinh tế đạt dưới mục tiêu bình quân chung Kế hoạch 5 năm (6,5-7%) và Chiến lược 10 năm (khoảng 7%); GDP bình quân đầu người năm 2023 chỉ đạt 4.284 USD, cách khá xa mục tiêu đến năm 2025 đạt khoảng 4.700-5.000 USD.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực hoặc giữ vai trò chủ trì, đầu mối tổng hợp của 6 Tổ công tác đôn đốc giải ngân, 26 đoàn công tác của Thành viên Chính phủ về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu tại các địa phương, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương, 7 Hội đồng điều phối vùng và nhiều Ban chỉ đạo khác.
Đáng chú ý, Bộ đảm nhiệm vai trò thường trực Hội đồng thẩm định và đã tổ chức thẩm định 5 quy hoạch vùng, 59 quy hoạch tỉnh, 1 Chương trình mục tiêu quốc gia, 4 dự án quan trọng quốc gia, 41 chương trình, dự án lớn thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Bộ cũng hoàn thành và trình cấp có thẩm quyền nhiều đề án, báo cáo lớn; ban hành gần 13.000 văn bản liên quan đến các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ...
Năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung bám sát tình hình kinh tế thế giới và trong nước để kịp thời tham mưu giải pháp, chính sách phù hợp nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục kiên định, kiên trì mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tập trung giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024 thúc đẩy nhanh hơn, mạnh mẽ hơn; kiên quyết loại bỏ tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả.
Bộ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, tham mưu triển khai các mô hình kinh tế mới; tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường năng lực nội sinh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững.
Mặt khác, Bộ đẩy mạnh liên kết vùng, các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; trình phê duyệt 5 quy hoạch vùng trong nửa đầu năm 2024 theo tinh thần tại Nghị quyết số 109/2023/QH15 của Quốc hội…
Bộ cũng nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, có trọng tâm, linh hoạt, phù hợp với yêu cầu trong ngắn hạn và trung hạn nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát triển doanh nghiệp. Qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững...
Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển đất nước
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần vượt qua chính mình, khắc phục khó khăn, nghiên cứu, tham mưu chiến lược để làm tốt hơn việc kiến tạo phát triển, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội đất nước tiếp tục phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước. Kinh tế Việt Nam là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của kinh tế toàn cầu.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, năm 2024 là năm bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Bộ cần phát huy kết quả đạt được, không chủ quan, lơ là, chuẩn bị tâm thế, phản ứng chính sách và nguồn lực với dự báo tình hình tiếp tục khó khăn và có thể khó khăn hơn năm 2023, làm việc tích cực, mạnh mẽ, hiệu quả hơn trong năm 2024.
Thủ tướng yêu cầu bám sát các kết luận, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, cụ thể hóa để triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ với chủ đề: "Kỷ cương, trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững".
Về một số nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu trước hết tiếp tục nỗ lực điều hành kế hoạch và điều phối kinh tế vĩ mô. Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực); huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển đất nước. Đồng thời, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hướng tới mục tiêu có 50-100 nghìn nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip bán dẫn; sớm tăng thêm 50-100 nghìn nhân lực chất lượng cao nói chung cho phát triển kinh tế - xã hội.
Cơ cấu lại nền kinh tế phải được thực hiện hiệu quả, thực chất, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tham mưu triển khai, thúc đẩy các mô hình, lĩnh vực kinh tế mới, như bán dẫn, hydrogen, năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ...
Thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với tăng cường công khai, minh bạch, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát.
Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần làm tốt công tác hội nhập kinh tế quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài và các nguồn lực trong nước. Làm tốt nhiệm vụ xây dựng báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026-2030 trình Đại hội XIV của Đảng.
“Bộ phải thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc nhở.
Cũng tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và Chính phủ tặng các tập thể, cá nhân của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.