Tăng tốc thực hiện mục tiêu phát triển đô thị Hà Nội
Sáng 10-1, tại Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025”, các đại biểu đã nêu các kiến nghị, giải pháp tăng tốc thực hiện các mục tiêu phát triển đô thị.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội Vũ Duy Tuấn:
Sẽ hoàn thành các chỉ tiêu về nước sạch vào đầu năm 2025
Triển khai Chương trình số 03-CTr/TU trong năm 2023, ngay từ đầu năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, giao chi tiết cho các đơn vị của Sở. Một số nhiệm vụ trọng tâm được Sở tập trung thực hiện như: Phối hợp cùng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đôn đốc triển khai các chương trình trọng điểm như dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4, Vành đai 1 và một số dự án cầu…
Liên quan đến việc đẩy nhanh tiến độ cấp nước sạch, thành phố đang triển khai 5 dự án nguồn và tích cực đôn đốc 10 đơn vị triển khai cấp nước cho các xã còn lại trên địa bàn thành phố theo hình thức xã hội hóa, thời gian thực hiện hoàn thành giai đoạn 2023-2025. UBND huyện Ba Vì triển khai tại 3 xã miền núi không thể tiếp cận hệ thống cấp nước tập trung theo hình thức đầu tư công. Đến hết năm 2023, tổng nguồn nước sạch tập trung cung cấp cho thành phố đạt khoảng 1.530.000 m3/ngày-đêm, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của 100% dân cư đô thị và mở rộng cấp nước cho khu vực nông thôn. Khu vực nông thôn, đã có 289/413 xã (khoảng 90%) người dân được tiếp cận nguồn nước sạch từ việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung của thành phố.
Đến nay, các vướng mắc trong cấp nước sạch cho người dân đều đã được giải quyết, bảo đảm tới đầu năm 2025 sẽ hoàn tất các chỉ tiêu về nước sạch đã cam kết thực hiện tại chương trình.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường:
Thêm “mảnh ghép” xe đạp công cộng trong năm 2024
Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến hết năm 2023 đạt 19,5% (510 triệu lượt khách), trong khi Chương trình 03 đặt chỉ tiêu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 đạt 30-35%. Đây là chỉ tiêu rất khó khăn bởi các vướng mắc trong hoàn thiện các tuyến đường sắt đô thị, buýt BRT và mạng lưới xe buýt công cộng.
Về đường sắt đô thị, đến nay, thành phố Hà Nội mới hoàn thành xây dựng đưa vào khai thác vận hành tuyến 2A và đang thi công xây dựng 2 tuyến (tuyến 2.1 và tuyến 3.1) với chiều dài 37km/417,8km tổng chiều dài toàn hệ thống theo quy hoạch. Các dự án còn lại đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, tuy nhiên tiến độ còn chậm.
Trong khi đó, đối với phương tiện công cộng truyền thống như xe buýt không tiếp cận được thêm nhiều khách hàng do thời gian đợi xe và di chuyển bị kéo dài, đặc biệt trong khung giờ cao điểm, biểu đồ vận hành xe chưa đảm bảo. Cơ sở hạ tầng giao thông vận tải của thành phố đang trong quá trình đầu tư xây dựng, dẫn đến phục vụ vận tải hành khách công cộng chưa đồng bộ, chưa phát huy được lợi thế và chi phí đi lại so với phương tiện cá nhân.
Năm 2024, sẽ có “mảnh ghép” quan trọng cho giao thông công cộng là xe đạp công cộng. Sắp tới, ngoài phục vụ xe đạp công cộng tại các ga đường sắt và quận trung tâm, Sở Giao thông Vận tải sẽ triển khai 2 đường dành riêng cho xe đạp công cộng là tuyến dọc đường Láng và đường xung quanh công viên Hòa Bình.
Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà:
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án xây dựng huyện thành quận
Về chỉ tiêu “Hoàn thành Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận”, tạo cơ sở giúp thành phố nâng tỷ lệ phát triển đô thị từ 48% lên 62%, Gia Lâm đã hoàn thành các tiêu chuẩn thành lập quận, báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, được HĐND thành phố ra Nghị quyết tán thành chủ trương thành lập quận.
Tuy nhiên, hiện tiến độ thực hiện chưa đạt như kế hoạch thành phố giao do có liên quan đến 2 nội dung, cũng nằm trong Chương trình 03-CTr/TU là điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô và phê duyệt Chương trình phát triển đô thị. Do đó, huyện kiến nghị Ban Chỉ đạo Chương trình 03 tập trung để triển khai bảo đảm tiến độ 2 nội dung trên, là căn cứ Bộ Xây dựng thẩm định đề án thành lập quận.
Liên quan đến quy hoạch phân khu, thành phố đã đồng ý cho Gia Lâm thực hiện song song việc nghiên cứu và triển khai quy hoạch phân khu đồng thời với việc điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô. Do đó, huyện kiến nghị sớm được Sở Quy hoạch - Kiến trúc hướng dẫn cách thức triển khai song song này.