Thời điểm này, các vườn phật thủ ở xã Đồng Tháp (huyện Đan Phượng) bước vào vụ thu hoạch quả lớn nhất trong năm để phục vụ người tiêu dùng ngày đầu tháng Chạp, Rằm và mùng 1 Tết âm lịch. Vườn nhà anh Đỗ Văn Trường, xã Đồng Tháp (huyện Đan Phượng) trồng hơn 400 gốc phật thủ đang vào vụ thu hoạch. Quá trình thu hoạch, chủ vườn lựa chọn kỹ từng quả để có được trái đẹp đưa ra thị trường cũng như mang lại giá trị cao. Anh Đỗ Văn Trường (chủ vườn) cho biết: “Phật thủ là loại cây kén đất, việc chăm sóc rất khó khăn bởi hay bị sâu bệnh. Do cây trái vụ, để có quả thu hoạch vào dịp cuối năm, người trồng phải làm hoa vào đúng thời điểm khoảng tháng 4 âm lịch”. “Trung bình chúng tôi mất khoảng 2 năm sau khi trồng cây mới cho thu hoạch; nếu chăm sóc tốt, cây sẽ cho thu hoạch từ 3 đến 5 năm tiếp theo”, anh Trường cho hay. Theo anh Trường, một quả phật thủ đẹp phải to, tròn, nhiều ngón, ngón to nhô lên, đường kính quả rộng. Phật thủ là loại quả mang ý nghĩa may mắn, tài lộc. Vì vậy, loại quả này được nhiều người lựa chọn để trang trí mâm ngũ quả dịp Tết Nguyên đán. Bà Nguyễn Thị Xuyên, xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng chia sẻ: “Năm nay thời tiết ủng hộ, việc chăm sóc cũng bớt vất vả. Trung bình, mỗi gốc cây, vườn nhà tôi cho ra hàng chục quả”. Theo bà Xuyên, giá bán mỗi quả phật thủ dao động từ 20 nghìn đến 60 nghìn đồng/quả, còn loại đẹp có giá từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng. Mỗi quả được người dân đóng gói cẩn thận để bảo đảm chất lượng… … trước khi chuyển đến tay thương lái và đưa ra thị trường phục vụ người tiêu dùng. Song song với thu hoạch, người dân vẫn chăm sóc cẩn thận để cây sinh trưởng và phát triển tốt, chuẩn bị thu hoạch dịp Rằm tháng Chạp và Tết Nguyên đán. Được biết, đa số các vườn phật thủ ở một số xã như: Đồng Tháp, Trung Châu (huyện Đan Phượng) đều là của người dân tại thủ phủ trồng phật thủ xã Đắc Sở (huyện Hoài Đức) tới thuê đất để canh tác trong khi chờ cải tạo lại đất.