Thường Tín phát triển nông nghiệp xanh, sạch
Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”, những năm qua, Thường Tín đã tạo được những bước đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đặc biệt, huyện đã hình thành được nền nông nghiệp xanh ven đô, giá trị cao.
Nhắc về nông nghiệp của huyện Thường Tín là nói đến vùng rau lá gim ở xã Tân Minh. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Minh Phạm Văn Phúc chia sẻ, với khoảng 220ha trồng hơn 20 loại rau gia vị các loại, Tân Minh là vùng sản xuất rau gia vị tập trung quy mô lớn của huyện Thường Tín nói riêng, toàn thành phố nói chung. Trong số 220ha trồng rau của xã có hơn 90ha được công nhận là vùng sản xuất rau an toàn. Để thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hợp tác xã thường xuyên tập huấn và nâng cao ý thức về trồng rau an toàn cho người dân. Bên cạnh đó, hợp tác xã đã thành lập 33 tổ giám sát, mỗi tổ có từ 30 đến 35 người, chịu trách nhiệm giám sát quá trình sản xuất của bà con. Đồng thời, hợp tác xã đã liên kết với một số công ty để bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân, nên đầu ra luôn ổn định.
“Tân Minh đang xin đánh giá, cấp mã số vùng trồng 4,5ha, từ đó xây dựng thương hiệu và phát triển vùng rau bền vững, hướng tới xuất khẩu”, ông Phạm Văn Phúc cho hay.
Ngoài Tân Minh, vùng nuôi trồng thủy sản tại các xã Nghiêm Xuyên, Thống Nhất, Thư Phú… cũng đang là điểm nhấn về nông nghiệp sạch của Thường Tín. Hiện tại, toàn huyện có 954,75ha nuôi trồng thủy sản và hầu hết các mô hình nuôi trồng các giống chất lượng, quy trình sản xuất theo hướng VietGAP, bảo đảm môi trường chăn nuôi an toàn.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Từ Đức Mạnh cho biết, thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy, huyện đã cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, triển khai xây dựng nông thôn mới có chiều sâu, lấy đời sống người dân là trọng điểm. Trên địa bàn huyện hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh rau, lúa, thủy sản, cây ăn quả, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, giúp nhiều hộ thoát nghèo. Điển hình là vùng lúa hàng hóa tập trung tại xã Thắng Lợi, Nghiêm Xuyên; vùng sản xuất rau an toàn tại xã Hà Hồi, Tân Minh, Thư Phú; vùng cây ăn quả tại xã Chương Dương, Tự Nhiên; vùng nuôi trồng thủy sản tại xã Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến…
Không những vậy, huyện Thường Tín còn có 55 hợp tác xã nông nghiệp, 17 hợp tác xã phi nông nghiệp. Các hợp tác xã là nhân tố thúc đẩy kinh tế nông thôn, tái cơ cấu nông nghiệp huyện theo hướng chuyên canh, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu từ thị trường.
Với định hướng xây dựng huyện thành vùng kinh tế công nghiệp, nông nghiệp xanh ven đô, thời gian qua, việc phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường luôn là mục tiêu, tôn chỉ hàng đầu của huyện. Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản thông tin, nhờ ứng dụng khoa học, xây dựng các vùng chuyên canh tập trung, đến nay, huyện có 15 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch của 17 tổ chức, cá nhân, như: Mô hình nuôi trồng thủy sản tập trung ở xã Nghiêm Xuyên; sản xuất rau an toàn tại các xã Hà Hồi, Thư Phú, Tân Minh, Ninh Sở; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Ninh Sở, Thư Phú, Hòa Bình, Lê Lợi, Duyên Thái, Tiền Phong; 1 mô hình nông nghiệp giáo dục trải nghiệm ở xã Hồng Vân…
Để đáp ứng xu thế sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, huyện đã xây dựng và phát triển 12 mô hình liên kết chuỗi. Trong đó có 7 chuỗi liên kết trồng trọt, 2 chuỗi liên kết chăn nuôi và 5 chuỗi liên kết giết mổ tại xã Ninh Sở, Lê Lợi, Nghiêm Xuyên, Thư Phú, Thống Nhất... Các chuỗi liên kết này luôn sẵn sàng đáp ứng, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp phục vụ nhân dân.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản khẳng định, để phát triển kinh tế xanh, Thường Tín sẽ tập trung khắc phục những tồn tại về vấn đề môi trường. Huyện sẽ rà soát, nắm bắt những khó khăn, kiến nghị để có những chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp sạch, xanh. Đồng thời, có những kiến nghị tháo gỡ về vốn, đất đai, đầu tư để xây dựng nền nông nghiệp ven đô xứng tầm, bảo vệ môi trường, giá trị kinh tế cao.