Chiến lược đồng bộ để xuất khẩu gạo Việt Nam "đi đường dài"
Một trong những giải pháp để xuất khẩu gạo Việt Nam bền vững là quy hoạch và xây dựng vùng trồng lúa chuyên canh ổn định, thay đổi tư duy từ nhỏ lẻ sang làm ăn lớn, chiến lược hơn.
Đó là một trong những ý kiến góp ý được đưa ra tại tọa đàm “Giải pháp đường dài cho xuất khẩu gạo” do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 9-1, tại thành phố Hồ Chí Minh.
Chia sẻ tại tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Tùng nhấn mạnh, đề án phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 của Chính phủ là kim chỉ nam cho năm 2024 và nhiều năm tới.
Về phía địa phương, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An Nguyễn Thanh Truyền cho hay, để ngành lúa gạo tỉnh vươn xa thời gian tới, doanh nghiệp và người nông dân cần đẩy mạnh liên kết xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, đồng thời, chủ động đặt hàng cho các hợp tác xã để sản xuất theo đơn hàng yêu cầu xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Cùng quan điểm, về phía doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) Phạm Thái Bình cho rằng, giải pháp đường dài chính là gắn chặt liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, cùng nhau hỗ trợ và phát triển, đôi bên cùng có lợi.
Chia sẻ trực tuyến, Tham tán thương mại Việt Nam tại Philippines Phùng Văn Thành cho biết, với thị trường Philippines, gạo là mặt hàng thiết yếu, nước này nhập 3,5-4 triệu tấn/năm. Trong đó, Việt Nam là đối tác số 1 về gạo của Philippines. Bởi gạo nước ta có lợi thế về phẩm chất phù hợp người dân nước này, từ người nghèo đến người có thu nhập cao, và giá thành cạnh tranh. Thời gian tới, Việt Nam cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu để Philippines biết được họ đang ăn gạo được trồng chính bởi người nông dân Việt Nam.
Tại tọa đàm, Giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp Việt Nam chia sẻ: “Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải sắp xếp lại, tổ chức lại chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo của Việt Nam để thực hiện hiệu quả mục tiêu 1 triệu hécta. Đây là đường dài bền vững để gạo của chúng ta đi xa”.
Cũng theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, ngành lúa gạo nước ta không nhất thiết tất cả đều chạy theo sản xuất gạo ngon, vì vẫn có những thị trường cần gạo bột. Thay vào đó, cần đa dạng sản xuất các giống gạo, loại gạo khác nhau. Cần sắp xếp trên thị trường, chia thị phần gạo ra để xuất khẩu hoặc bán trong nước. Nếu làm vậy, các doanh nghiệp sẽ không còn tranh mua, tranh bán, mà mỗi doanh nghiệp có vùng nguyên liệu của mình. Đây là tương lai để gạo của Việt Nam có thể tiếp tục phát triển bền vững.
Phát biểu kết thúc tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân nêu, chiến lược xuất khẩu gạo bền vững chính là thay đổi tư duy, từ tư duy nhỏ lẻ sang làm ăn lớn, chiến lược hơn. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường liên kết giữa nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân.
Mặt khác, cần tăng cường xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất, xuất khẩu và đặc biệt liên kết ở nước ngoài; xây dựng thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm, uy tín lâu dài; xây dựng chiến lược cánh đồng mẫu lớn; ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất để tăng chất lượng, tăng giá trị sản phẩm.