Khắc phục bằng được tình trạng làm việc cầm chừng, tâm lý e dè
Sáng 9-1, phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ mười sáu, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nêu rõ, năm 2024, thành phố phải quyết tâm khắc phục bằng được tình trạng làm việc cầm chừng, tâm lý e dè, “ngại” tham mưu...
Lan tỏa mạnh mẽ tinh thần quyết liệt, sâu sát
Về kết quả thực hiện công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2023, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết: Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức bất thường, phức tạp hơn nhiều so với dự báo, toàn Đảng bộ thành phố đã phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, chủ động tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; kịp thời chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ có tính chiến lược phát triển Thủ đô; đồng thời, giải quyết tốt các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh.
Nổi bật là phương thức lãnh đạo của Thành ủy và các cấp ủy được đổi mới, lan tỏa mạnh mẽ tinh thần quyết liệt, sâu sát từ thành phố tới cơ sở; tạo được động lực mới trong thực thi công vụ của toàn hệ thống chính trị, tiếp tục xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, tập trung giải quyết việc mới, việc khó, những khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền; chủ động triển khai xây dựng Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội; tổ chức thành công, mở rộng thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp phòng ở các khối; tổ chức thành công kỳ thi tuyển dụng công chức, viên chức khối cơ quan Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố; thực hiện tốt chủ trương rà soát cơ cấu, tổ chức bộ máy các sở, ngành, sáp nhập, thu gọn đầu mối các cơ quan, đơn vị; sắp xếp đơn vị sự nghiệp công; chỉ đạo rà soát, xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá, giá sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước… Đặc biệt, Hà Nội đã triển khai xây dựng giá tạm thời và thực hiện thí điểm đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông sử dụng ngân sách Nhà nước của thành phố.
Các nội dung thường xuyên, trọng tâm của công tác tuyên giáo; tổ chức xây dựng Đảng; kiểm tra, giám sát; dân vận; nội chính; văn phòng cấp ủy tiếp tục được triển khai đồng bộ, đạt được các kết quả toàn diện. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp được nâng lên. Vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng được phát huy, hoạt động thiết thực, gắn với cơ sở, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, với quyết tâm tạo chuyển biến căn bản từ nhận thức đến hành động của các cấp ủy Đảng và cả hệ thống chính trị về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc, ngày 7-8-2023, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội và Kế hoạch số 171-KH/TU về việc thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU. Qua hơn 5 tháng triển khai, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị đã tổ chức quán triệt cho trên 41 vạn cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn thành phố. Đến nay, đã có 118/118 đơn vị ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị, tập trung kiểm tra, đôn đốc rà soát, kiểm điểm trách nhiệm các đơn vị trong việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc.
“Có thể khẳng định, Chị thị 24 của Ban Thường vụ Thành ủy đã thực sự “thấm” và “ngấm” vào nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, các tổ chức, cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong toàn hệ thống chính trị của thành phố; là một “công cụ” hiệu quả để các tập thể và cá nhân “tự soi”, “tự sửa”, đồng thời cũng là một trong những căn cứ để xem xét và xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các tập thể, cá nhân khi có những biểu hiện vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc”.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Thành ủy, HĐND, UBND và toàn hệ thống chính trị thành phố đã tập trung thực hiện các giải pháp để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo hướng căn cơ, bền vững và đi vào chiều sâu. Điểm nổi bật là tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển Thủ đô nhằm kiến tạo và phân bổ không gian phát triển cho Thủ đô Hà Nội, trong đó thành phố đã xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) và lập quy hoạch Thủ đô, Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, thông qua trong thời gian tới...
Kinh tế - xã hội năm 2023 của thành phố cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,27%, cao hơn mức bình quân chung cả nước; Quy mô GRDP Hà Nội tương đương 54,2 tỷ USD (tăng 2,8 tỷ USD so với năm 2022). GRDP bình quân đầu người ước đạt 151,1 triệu đồng/người/năm, tăng 9,2 triệu đồng so với năm 2022; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Thu ngân ngân sách Nhà nước đạt hơn 410 nghìn tỷ đồng, vượt 16,3% dự toán, tăng 23% so với năm 2022. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt gần 3 tỷ USD, tăng 64% so với năm 2022; có 31,4 nghìn doanh nghiệp được thành lập, tăng 6,3% so với cùng kỳ.
Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, bảo tồn và phát huy di tích lịch sử văn hóa được quan tâm; an sinh xã hội được đảm bảo; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Công tác quy hoạch được đẩy nhanh tiến độ, hạ tầng kĩ thuật và phát triển đô thị được quan tâm; nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, nhiều công trình quan trọng đã được khởi công, hoàn thành đưa vào khai thác (nổi bật là đã khởi công Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô theo đúng tiến độ đề ra). Công tác xây dựng nông thôn đạt nhiều kết quả nổi bật. Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, đồng bộ giữa cải cách thủ tục và cải cách bộ máy; kỷ cương hành chính được củng cố; chất lượng thực thi pháp luật được nâng cao.
Quốc phòng - an ninh được củng cố vững chắc, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Hoạt động đối ngoại tiếp tục được mở rộng và đạt nhiều kết quả tích cực. Hà Nội tiếp tục giữ vững môi trường bình yên, ổn định và phát triển; là điểm đến an ninh, an toàn cho bạn bè, du khách quốc tế và là nơi diễn ra các sự kiện, hội nghị quan trọng của đất nước.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và lãnh đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố vẫn còn một số tồn tại, hạn chế (trong Báo cáo đã chỉ rõ 10 tồn tại, hạn chế cần quan tâm khắc phục).
Năm tăng tốc, nước rút 2024
Về nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và lãnh đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố năm 2024, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định: Năm 2024 là năm tăng tốc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và Kế hoạch 5 năm 2021-2025; là năm nước rút, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố.
Cho biết Hội nghị Thành ủy cơ bản thống nhất với các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và lãnh đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố năm 2024 như đã được đề cập trong Báo cáo, Bí thư Thành ủy lưu ý thêm 7 nhiệm vụ cần tập trung để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2024.
Trong đó, đồng chí Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; thực hiện hiệu quả chủ đề công tác năm 2024 là năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” gắn với Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy; lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy khóa XVII và các nhiệm vụ, chương trình công tác năm 2024 của Thành ủy đã đề ra; các nhiệm vụ trung ương giao, kịp thời điều chỉnh, bổ sung vào chương trình làm việc những vấn đề quan trọng mới phát sinh để chủ động bàn bạc, xử lý, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ.
Các cấp, các ngành tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt nhiệm vụ tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tập trung phối hợp hoàn thiện hồ sơ Luật Thủ đô (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp tháng 5-2024; đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045 tầm nhìn đến năm 2065 gắn với định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; đồng thời, chủ động sớm xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi) và 2 Quy hoạch lớn của thành phố ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thông qua; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô theo kế hoạch đề ra và các đồ án, dự án, công trình trọng tâm, trọng điểm của thành phố; chỉ đạo tổ chức tốt các phong trào thi đua, hoạt động, bảo đảm ý nghĩa thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) và các ngày lễ lớn của Thủ đô, của đất nước trong năm 2024.
Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ủy Đảng tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị gắn với kiểm soát quyền lực, phát huy dân chủ cơ sở, tăng cường kỷ cương, kỷ luật; làm tốt công tác dự báo, nắm chắc tình hình cơ sở, nhất là những địa bàn tiềm ẩn phức tạp; định hướng tư tưởng, hướng dẫn dư luận; tăng cường đối thoại, lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý của tổ chức, đảng viên và Nhân dân để lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của Thành ủy và các cấp ủy, các quy chế phối hợp giải quyết các công việc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành; nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Thành ủy theo hướng tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền; nâng cao hơn nữa chất lượng các cuộc họp Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố; phát huy đoàn kết, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ; vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; sâu sát cơ sở; chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho cơ sở.
“Đẩy mạnh cải cách hành chính và thủ tục hành chính; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền của thành phố theo nguyên tắc cấp nào làm tốt thì để cấp đó triển khai thực hiện, đồng thời tăng tính chủ động cho các cấp, các ngành; thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số”.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng cũng lưu ý các cấp, các ngành, các địa phương làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, trách nhiệm với công việc và sự phát triển của Thủ đô; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền; thực hiện công tác cán bộ gắn với thực hiện các chủ trương của Trung ương, Thành ủy về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị các cấp bảo đảm tinh gọn, hoạt động có hiệu quả; kịp thời quan tâm, động viên, nâng cao tinh thần trách nhiệm với công việc của cán bộ, công chức, viên chức, quyết tâm khắc phục bằng được tình trạng làm việc cầm chừng, tâm lý e dè, “ngại” tham mưu... Các cấp, các ngành tiếp tục tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; xây dựng các cấp chính quyền thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; kiên quyết phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các biểu hiện tiêu cực khác; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Bí thư Thành ủy nhấn mạnh yêu cầu triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; tiếp tục rà soát các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, nhất là các chỉ tiêu khó hoàn thành để có các giải pháp, kịch bản cụ thể tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quyết tâm thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và cả nhiệm kỳ 2020 - 2025, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố; đồng thời, rà soát, đề xuất những cơ chế, chính sách để kiến nghị với Trung ương, Bộ Chính trị nhằm tháo gỡ một số công việc của thành phố (như phương án xử lý đối với 712 dự án chậm triển khai)...
Đổi mới tư duy trong xây dựng văn kiện Đại hội XVIII
Theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, một trong những nhiệm vụ rất quan trọng trong năm 2024 là triển khai các công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp thành phố nhiệm kỳ 2025-2030 theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương; đặc biệt là chủ động làm tốt công tác chuẩn bị nhân sự và Văn kiện Đại hội, gắn với tập trung củng cố tổ chức cơ sở Đảng, làm tốt công tác quản lý cán bộ, Đảng viên.
Riêng đối với việc chuẩn bị xây dựng Văn kiện Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ thành phố, Tiểu ban Văn kiện cần đổi mới tư duy, cách viết, cách đặt vấn đề để cụ thể, rõ việc, rõ nguyên tắc, rõ mục tiêu, hạn chế phần lý luận, định hướng chung chung. Cần thống kê những mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng, nhiệm vụ của Trung ương về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, các đồ án quy hoạch vùng, quy hoạch của Thủ đô, Luật Thủ đô… và các quy chuẩn, tiêu chuẩn, kinh nghiệm của Thủ đô, thành phố lớn của các nước, các tổ chức quốc tế…; từ đó áp dụng vào Thủ đô để đánh giá, xem xét và đưa ra những nguyên tắc, tiêu chí, ưu tiên nguồn lực để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ mới.
“Bên cạnh đó, thực hiện yêu cầu của Ban Tổ chức Trung ương, đề nghị các cấp ủy trực thuộc Thành ủy khẩn trương tiến hành tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TƯ ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngay trong tháng 2-2024, bảo đảm chất lượng và tiến độ”- Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Lưu ý năm 2024 dự báo sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn và thách thức, Bí thư Thành ủy đề nghị các đồng chí Thành ủy viên, người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung cao độ, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
“Phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, trách nhiệm, bản lĩnh và sáng tạo của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, tôi tin tưởng rằng trên cơ sở những nội dung đã được thông qua tại Hội nghị ngày hôm nay, các cấp, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ sẽ chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch để sớm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Hội nghị; tập trung cao độ, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của cả nhiệm kỳ đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ thành phố”
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng.
Bí thư Thành ủy đề nghị, trước mắt, các cấp, các ngành, địa phương quan tâm tổ chức phục vụ nhân dân Thủ đô đón Tết Giáp Thìn chu đáo, vui tươi, nghĩa tình, an toàn, tiết kiệm; thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch của thành phố, đảm bảo tuyệt đối an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn; đẩy mạnh các hoạt động chào đón năm mới, mừng Xuân mới, gắn với các phong trào thi đua, hoạt động thiết thực kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh (3/2/1930 - 3/2/2024) và 94 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội (17/3/1930 - 17/3/1930), tạo khí thế mới, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của năm mới 2024.