Hà Nội kết nối

TP Hồ Chí Minh: Kích thích tăng trưởng kinh tế từ hiệu quả nguồn lực đầu tư

Thúy Nhi - Nguyễn Lê 09/01/2024 - 12:40

Thành phố Hồ Chí Minh cần tối ưu hóa nguồn lực đầu tư công và sử dụng hiệu quả nguồn kiều hối thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024.

anh-1(1).jpg
Quang cảnh diễn đàn.

Đây là chia sẻ của các chuyên gia tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2024 chủ đề “Kinh tế Việt Nam vượt những cơn gió ngược” do Trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển thành phố tổ chức ngày 9-1.

Tại diễn đàn, các chuyên gia cho rằng, thành phố Hồ Chí Minh là một trong hai địa bàn có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều yếu tố thuận lợi cho thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung như vị trí địa lý sở hữu nhiều kênh giao thương chiến lược, điều kiện tự nhiên thuận lợi, đặc điểm dân cư đông đúc. Điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế thành phố Hồ Chí Minh là thu hút FDI. Cụ thể, năm 2023, thành phố thu hút khoảng 5,85 tỷ USD, tăng tới 48,5% so với cùng kỳ, chiếm 16% tổng vốn FDI cả nước.

Thành phố đang có sự dịch chuyển trong cơ cấu thu hút vốn FDI từ những ngành thâm dụng lao động, tài nguyên như bất động sản, dệt may sang các lĩnh vực ứng dụng công nghệ, các ngành công nghiệp như công nghệ số, vi mạch bán dẫn, công nghệ sinh học... để phù hợp với bối cảnh Công nghiệp 4.0 cũng như tăng khả năng nhận chuyển giao công nghệ.

Trong năm 2023, vốn FDI vào thành phố chủ yếu gắn với các hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ cao. Cụ thể, năm 2023, thành phố có 50/194 dự án điều chỉnh vốn đăng ký gắn với hoạt động chuyên môn khoa học với tổng vốn đăng ký 290 triệu USD.

Tại diễn đàn, các chuyên gia cũng kỳ vọng Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24-6-2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh sẽ giúp tháo gỡ các điểm nghẽn về tạo quỹ đất cho phát triển công nghiệp, qua đó tháo gỡ 1.500ha/6.000 ha đất công nghiệp đang bị vướng mắc pháp lý hoặc giải phóng mặt bằng.

PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, bên cạnh vai trò là cửa ngõ giao thương kinh tế trong và ngoài nước, thành phố Hồ Chí Minh còn có lợi thế là nơi tập trung nhiều trường đại học nhất trên cả nước và rất năng động. Đây là nguồn lực tri thức, trí tuệ, lực lượng sản xuất có thể giúp thành phố bứt phá từ các ngành kinh tế mũi nhọn và các ngành công nghệ, kỹ thuật cao.

PGS.TS Nguyễn Đức Trung đề xuất thành phố tối ưu hóa nguồn lực đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công; đồng thời, sử dụng hiệu quả nguồn kiều hối để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua tiêu dùng nội địa, đầu tư xã hội.

Còn GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Phó Giám đốc Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, có nhiều điểm sáng xuất hiện ngay từ đầu năm 2024 như dòng tiền đã bắt đầu quay trở lại thị trường sau những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và những động thái khơi thông nguồn vốn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh dòng vốn đầu tư kể cả FDI và trong nước trong năm nay.