Kinh tế

Thủ tướng: PVN tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng, các dự án kéo dài

Triệu Hoa 08/01/2024 - 16:38

Chiều 8-1, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chỉ đạo hội nghị. Dự hội nghị về phía thành phố Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Dầu khí năm 2024. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao quyết định bổ nhiệm ông Lê Mạnh Hùng, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.

trao-qd.jpeg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, năm 2023, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của PVN đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Một số chỉ tiêu trọng yếu tăng trưởng cao so với năm 2022.

Trong đó, trữ lượng dầu khí hoàn thành kế hoạch cả năm trước 1 tháng 10 ngày, đạt 13 triệu tấn, vượt 8,3% kế hoạch năm. Sản lượng điện năm 2023 toàn Tập đoàn đạt 23,07 tỷ KWh, tăng 31% so với năm 2022. PVN đã huy động mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ, đưa vào vận hành Nhà máy điện Thái Bình 2 đúng thời điểm nhu cầu phụ tải điện cả nước tăng cao (cuối tháng 4 đến tháng 6-2023).

Tất cả các chỉ tiêu tài chính của PVN hoàn thành kế hoạch năm trước 2 đến 5 tháng. Trong đó, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 942,8 nghìn tỷ đồng, vượt 39% kế hoạch năm, cao hơn 11,6 nghìn tỷ đồng so với năm 2022, tương đương 9,2% GDP cả nước. Nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn đạt 151,8 nghìn tỷ đồng, vượt 94% kế hoạch năm, chiếm khoảng 9,4% tổng thu ngân sách nhà nước năm 2023. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn Tập đoàn hoàn thành kế hoạch cả năm trước 4 tháng, đạt 54,5 nghìn tỷ đồng, vượt 57% kế hoạch năm…

Trước nhiều khó khăn, tồn tại đã kéo dài nhiều năm, Tập đoàn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành hỗ trợ, ban hành cơ chế huy động đồng bộ, sử dụng nguồn khí tự nhiên khai thác trong nước để sản xuất điện; cơ chế phân cấp ủy quyền cho PVN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư; sớm phê duyệt phương án thu xếp vốn cho các dự án đầu tư; khung pháp lý, cơ chế hoạt động cho các hợp đồng dầu khí các nhà thầu dầu khí trả lại cho PVN hiện được giao tiếp nhận…

Năm 2024, Tập đoàn xác định các nhóm giải pháp trọng tâm duy trì các động lực phát triển truyền thống, như khai thác, chế biến, phân phối; đồng thời nghiên cứu các động lực mới như công nghiệp năng lượng, năng lượng mới để dịch chuyển mô hình kinh doanh, tiếp tục gia tăng quy mô, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của Tập đoàn.

ttcp.jpeg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, những đóng góp của Tập đoàn PVN trong việc giữ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh năng lượng, an sinh xã hội cũng như đóng góp cho nguồn thu ngân sách, thu hút nguồn vốn đầu tư, khẳng định vị thế đất nước qua các hoạt động đối ngoại… là rất lớn.

Trước nhiệm vụ nặng nề đặt ra trong năm 2024, với nhiều khó khăn, thử thách, Thủ tướng Chính phủ lưu ý Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không chủ quan lơ là, không say sưa với thắng lợi của năm 2023 để tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, phát huy tinh thần đoàn kết - kỷ cương - trách nhiệm trong quản lý điều hành, nỗ lực vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.

Ngoài ra, Tập đoàn cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, giữ vững, khẳng định độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trên biển Đông.

Đồng tình với những mục tiêu, giải pháp trọng tâm Tập đoàn đặt ra trong năm 2024, Thủ tướng Chính phủ lưu ý Tập đoàn tăng cường đầu tư phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo gắn chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; đổi mới sáng tạo, đổi mới tư duy, đặt ra tầm nhìn chiến lược, huy động sức mạnh tổng hợp, ứng dụng khoa học công nghệ; tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng, xử lý các dự án kéo dài trong nhiều năm như Nhà máy Lọc dầu Nghi Xuân; Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2…

Ngoài ra, trong chỉ đạo, điều hành, Tập đoàn cần ứng dụng chuyển đổi số, thực hiện quản trị thông minh, phân cấp, phân quyền nhiều hơn, đi đôi với phân bổ nguồn lực, giảm thủ tục hành chính, tăng cường giám sát, kiểm tra, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lãng phí trong bộ máy; phát huy tính tự lực tự cường, đi lên từ bàn tay khối óc của mỗi con người để thực hiện sứ mệnh của "người đi tìm lửa"...