Bất động sản

Văn phòng Đăng ký đất đai: Hướng tới chính quyền điện tử

Bạch Thanh 08/01/2024 - 06:57

Thời gian qua, hoạt động của hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai trên địa bàn Hà Nội đạt nhiều kết quả tích cực. Với sự đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đất đai được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao...

can-bo-chi-nhanh-van-phong-.jpg
Cán bộ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Hoài Đức hỗ trợ người dân kê khai, thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai.

Mức độ hài lòng của người dân tăng

Mặc dù mới 8h sáng nhưng lượng người đến giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đất đai tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Hoài Đức đã khá đông. Tại đây, người dân được hướng dẫn cụ thể nên công tác tiếp nhận hồ sơ khá thuận lợi. Chị Phạm Minh Thúy (người dân trên địa bàn) đến giải quyết thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại chi nhánh chia sẻ: "Trước khi đi làm thủ tục, tôi lo lắng vì sợ phiền hà, mất thời gian, nhưng tới chi nhánh nộp hồ sơ mới thấy chất lượng phục vụ của cán bộ rất tốt, tôi khá hài lòng...".

Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Hoài Đức Trần Hữu Tĩnh cho biết, để tăng sự hài lòng của người dân về giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, chi nhánh thường xuyên chỉ đạo cán bộ, viên chức, người lao động nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng ứng xử, đạo đức…

Dù khối lượng công việc nhiều, ngoài giải quyết thủ tục hành chính về đất đai theo quy định, chi nhánh còn phải chỉnh lý biến động giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn với hàng chục nghìn trường hợp... song tỷ lệ hồ sơ trả đúng hạn của đơn vị đạt gần 100%. Trong năm 2023, đơn vị tiếp nhận 17.373 hồ sơ, giải quyết 16.636 hồ sơ, còn 737 hồ sơ đang chờ giải quyết theo quy định.

Tương tự, tại quận Hoàng Mai, cán bộ bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai làm việc với người dân cũng rất tận tình, với nguyên tắc không yêu cầu bổ sung giấy tờ, tài liệu ngoài quy định, không ra văn bản bổ sung hồ sơ quá 2 lần…

Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội Nguyễn Thị Minh Hồng thông tin, là tổ chức dịch vụ công hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về đất đai, hoạt động dịch vụ, trong đó có nghiệp vụ đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội đẩy mạnh hiện đại hóa, cải cách thủ tục hành chính, phát triển chính quyền điện tử, đồng thời chủ động hơn trong điều phối nguồn nhân lực giữa các đơn vị theo yêu cầu nhiệm vụ; tăng cường phân cấp, phân quyền cho các chi nhánh quận, huyện, thị xã nhằm đẩy nhanh quá trình giải quyết thủ tục hành chính, tăng tính chủ động cho cán bộ thực thi nhiệm vụ ở cơ sở…

Bên cạnh đó, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội còn xây dựng mô hình Ngày thứ bảy hằng tuần tình nguyện xanh, cử đoàn viên thanh niên của Văn phòng tham gia hỗ trợ người dân, doanh nghiệp kê khai, tìm hiểu thủ tục... Nhờ vậy, đơn vị giảm được 16 thủ tục hành chính; thời gian đăng ký, cấp giấy chứng nhận giảm 5-25 ngày so với trước đây; thời gian giải quyết hồ sơ giao dịch về đất đai đạt gần 100% so với quy định; nguồn thu cho ngân sách nhà nước liên tục tăng...

Cần gỡ khó để nâng cao hiệu quả

Bên cạnh kết quả tích cực, hoạt động của Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội vẫn có vướng mắc cần tháo gỡ. Bà Nguyễn Lan Hương ở quận Hoàng Mai cho rằng, khâu nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính về đất đai khá thuận lợi. Tuy nhiên, nếu các thủ tục như nộp thuế qua tài khoản, mã QRcode… được triển khai ngay tại bộ phận "một cửa" sẽ tốt hơn việc người dân phải qua các bộ phận để thực hiện nghĩa vụ tài chính như hiện nay...

Ở góc độ thực thi nhiệm vụ, Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Hoài Đức Trần Hữu Tĩnh thông tin, việc thu chủ yếu là phí, lệ phí với nhiều khoản được miễn, giảm nhưng không có cơ chế bù đắp, trong khi Văn phòng Đăng ký đất đai hoạt động theo cơ chế tự chủ. Thêm nữa, khối lượng công việc lớn mà đơn vị chỉ có 22 cán bộ, viên chức, người lao động. Hồ sơ lưu trữ, quản lý nhiều mà chưa có văn phòng, trụ sở riêng... Đó là những áp lực không nhỏ đối với chi nhánh.

"Hiện nay, các chi nhánh, văn phòng trung tâm đều tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai với khối lượng công việc ngày một tăng nhưng chưa có cán bộ chuyên trách mà hầu hết kiêm nhiệm. Do vậy, để đạt hiệu quả cao hơn, thành phố, bộ, ngành cần bổ sung chức năng nhiệm vụ, bố trí thêm vị trí chuyên trách", Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Hoàng Mai Trần Văn Thắng kiến nghị.

Về lĩnh vực này, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội Nguyễn Thị Minh Hồng chia sẻ thêm, ngoài khó khăn về cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, vị trí việc làm chưa đáp ứng yêu cầu thực thi nhiệm vụ... thì thực trạng thiếu hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ vận hành, lưu trữ, chia sẻ cơ sở dữ liệu về đất đai, phần mềm quản lý, liên kết thông tin... cũng là vướng mắc của hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai trong quá trình chuyển đổi số, thực hiện chính quyền điện tử. Những vướng mắc này cần sớm được giải quyết để Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố hoạt động hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp và yêu cầu phát triển...

Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội thường xuyên chỉ đạo các phòng, chi nhánh trực thuộc đẩy mạnh công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Kết quả đến nay, tổng số cần đăng ký, cấp giấy chứng nhận lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân trong khu dân cư là 1.678.912 thửa; trong đó, đăng ký và cấp đạt 99,6% với 1.672.222 thửa...