Thế giới

Bangladesh tiến hành tổng tuyển cử giữa cuộc đình công lớn

Quỳnh Dương 07/01/2024 - 10:53

Vào lúc 8h sáng (giờ địa phương, tức 9h giờ Việt Nam) ngày 7-1, hơn 119 triệu cử tri Bangladesh bắt đầu đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội.

Thời gian bỏ phiếu sẽ kéo dài 8 giờ trên toàn quốc tại hơn 42.000 điểm bầu cử. Kết quả bầu cử dự kiến được công bố vào ngày 8-1.

screenshot_20240107-094603_chrome.jpg
Đường phố Thủ đô Dhaka trong ngày bầu cử.

Ủy ban bầu cử Bangladesh cho biết, 1.500 ứng cử viên từ 27 đảng phái chính trị tại Bangladesh đã tham gia tranh cử bên cạnh 436 ứng cử viên độc lập. Hơn 100 quan sát viên nước ngoài, trong đó có 3 thành viên từ Ấn Độ, sẽ theo dõi cuộc tổng tuyển cử lần thứ 12 tại Bangladesh, trong bối cảnh an ninh được duy trì chặt chẽ.

Theo các cuộc thăm dò trước bầu cử, Đảng Liên đoàn Awami (AL) của Thủ tướng đương nhiệm Sheikh Hasina có khả năng ​​​​sẽ giành chiến thắng lần thứ tư liên tiếp.

Trong khi đó, Đảng Quốc gia Bangladesh (BNP), đảng đối lập chính, của cựu Thủ tướng Khaleda Zia, người đang bị quản thúc tại gia vì tội tham nhũng, đã tẩy chay cuộc bầu cử.

Trong bài phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Sheikh Hasina đã kêu gọi các đảng ủng hộ dân chủ và tuân thủ luật pháp, cũng như không thúc đẩy những ý tưởng “phá vỡ” tiến trình hiến pháp của đất nước.

Đảng BNP và một số nhóm đối lập khác đã kêu gọi một cuộc tổng đình công kéo dài 48 giờ trên toàn quốc, bắt đầu lúc 6h sáng ngày 6-1, với lý do cuộc bầu cử khó có thể đảm bảo sự công bằng.

Ông Faruk Hossain, phát ngôn viên của Cảnh sát Thủ đô Dhaka cho biết, các biện pháp an ninh trên khắp Dhaka đã được tăng cường. Bộ phận an ninh mạng và chống khủng bố đang làm việc suốt ngày đêm.

20240107_094642.jpg
An ninh được tăng cường tại điểm bầu cử nơi Thủ tướng Sheikh Hasina bỏ phiếu.

Ít nhất 18 vụ tấn công, đốt phá đã được báo cáo trên khắp đất nước kể từ cuối ngày 5-1. 10 vụ trong số đó nhắm vào các địa điểm bỏ phiếu. 4 người đã thiệt mạng trong một vụ tấn công, đốt phá một chuyến tàu chở khách hướng về thủ đô Dhaka.

Căng thẳng tại Bangladesh leo thang kể từ tháng 10 khi một cuộc biểu tình lớn chống chính phủ của BNP được tổ chức ở Dhaka bùng phát thành bạo động. Người biểu tình yêu cầu nữ Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức và thành lập một chính phủ lâm thời trong giai đoạn chuyển tiếp để tiến tới cuộc tổng tuyển cử. Tuy nhiên, chính quyền Thủ tướng Sheikh Hasina cho biết, Hiến pháp nước này không có quy định nào cho phép thực hiện việc này.