Triển lãm tranh của cố họa sĩ Ngọc Thọ
Chiều 6-1, triển lãm tranh cố họa sĩ Ngọc Thọ nhân kỷ niệm 99 năm ngày sinh của ông, khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội).
Ngọc Thọ (1925-2016) là một họa sĩ tên tuổi, thuộc thế hệ thứ ba của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Ông theo học khóa Tô Ngọc Vân (1955-1957) - khóa đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) sau ngày hòa bình lập lại. Ông cũng là một trong 12 người đầu tiên học khóa Cao đẳng 1 của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam và là một trong 3 người học chuyên ngành sơn mài.
Họa sĩ Ngọc Thọ thành công ở nhiều thể loại, như sơn mài, sơn dầu, bột màu, màu nước và tranh khắc gỗ đen trắng. Ông được giới chuyên môn đánh giá cao bởi tài năng, cá tính và nghị lực. Đặc biệt, lối vẽ nét thảo sáng trên nền đỏ và đen của ông được nhiều người ca ngợi, bởi chỉ những họa sĩ vững nghề, có tư duy và kỹ năng đa dạng mới thể hiện được.
Triển lãm lần này do họa sĩ Phạm Thị Yên Hòa - vợ cố họa sĩ Ngọc Thọ và các nhà sưu tập tổ chức, giới thiệu hơn 50 tác phẩm trên chất liệu sơn mài, sơn dầu, màu nước, bột màu, tranh giấy…
Tại đây, người xem gặp những bức tranh của họa sĩ sáng tác trải dài từ thời kỳ đầu tiên cho đến thời kỳ cuối cùng, bằng nhiều chất liệu; đặc biệt là các tác phẩm sơn mài từ cuối những năm 1970 đến đầu những năm 1990 - thời kỳ mà nghệ thuật vẽ sơn mài của ông giàu cảm xúc và tính sáng tạo nhất.
Phát biểu tại triển lãm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam Mai Thị Ngọc Oanh khẳng định, Ngọc Thọ là một trong những họa sĩ có đóng góp to lớn cho nền nghệ thuật nước nhà. Cuộc đời của ông gắn liền với công tác giảng dạy mỹ thuật và công việc sáng tác. Mặc dù, ông sáng tác trên nhiều chất liệu nhưng sơn mài vẫn là niềm đam mê và đạt được nhiều thành tựu nhất.
Triển lãm tranh của họa sĩ Ngọc Thọ diễn ra đến hết ngày 14-1. Nhân dịp này, cuốn sách tranh "Ngọc Thọ (1925-2016)" về cuộc đời và sự nghiệp mỹ thuật của ông do Nhà Xuất bản Mỹ thuật ấn hành, được ra mắt.
Họa sĩ Ngọc Thọ (1925-2016) quê ở Bình Thuận. Năm 1945, ông tham gia chiến đấu tại Nha Trang, rồi trở thành bộ đội và tập kết ra Bắc. Sau khi học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, ông trở thành giảng viên tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội), gắn bó với nghiệp vẽ và nghề giáo cho đến lúc về hưu năm 1986.
Họa sĩ đã được trao tặng nhiều huân, huy chương và đoạt các giải thưởng mỹ thuật uy tín. Có thể kể đến tác phẩm sơn mài “Người con gái Việt Nam” sáng tác năm 1984, giải Nhất Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô năm 1989; tác phẩm sơn mài "Long Hổ" sáng tác năm 1984, được Hội Mỹ thuật Việt Nam tặng Hội Mỹ thuật Ba Lan trong Triển lãm Giao lưu văn hóa quốc tế 12 nước xã hội chủ nghĩa… Tranh của ông được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và nhiều bộ sưu tập tư nhân trong nước, quốc tế.
Một số tác phẩm tại triển lãm: