Sân khấu truyền thống: Khó tuyển người trẻ, khó giữ người tài
Các nhà hát truyền thống hiện đang gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng diễn viên trẻ kế cận. Nguyên nhân là số lượng tuyển sinh đầu vào các ngành này ngày càng ít, thậm chí có những chuyên ngành “trắng” sinh viên.
Bên cạnh đó, việc thiếu những chính sách thu hút, đãi ngộ người tài đã khiến nhiều người bỏ nghiệp diễn giữa chừng.
Thiếu đầu vào vì nỗi lo cơm áo
Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Hoàng Quỳnh Mai, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết: 5 năm trở lại đây, số diễn viên trẻ được tuyển dụng về nhà hát chỉ đếm trên đầu ngón tay. May mắn trước đó có một lớp trung cấp của nhà hát tuyển được 5 - 7 người thuộc thế hệ 9x, trong đó nổi bật lên một vài gương mặt có tiềm năng, nhưng vẫn gặp phải tình trạng chênh lệch “có đào mà không có kép”.
“Hiện nay ở nhà hát chúng tôi, diễn viên chính đóng đào, kép cũng đều xấp xỉ 40 tuổi rồi. Nhà hát không được dùng ngân sách để trả lương cho các diễn viên hợp đồng, học việc. Trong khi đó, để một người nghệ sĩ vào biên chế ngay thì cũng khó, cần có một quãng thời gian thử thách, trau dồi chuyên môn mới thi viên chức. Không đảm bảo lương, không đảm bảo cuộc sống thì diễn viên trẻ sẽ không về nhà hát. Tôi vẫn nói đây là sự báo động đối với sân khấu, tương lai sân khấu sẽ đi về đâu nếu không có thế hệ kế cận”- NSND Hoàng Quỳnh Mai nói.
Chung thực trạng này, Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng không tuyển thêm được diễn viên mới trong 10 năm qua. Một bất cập khác trong chế độ chính sách dành cho các diễn viên, theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam là: Nghệ sĩ dù được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, NSND nhưng vẫn ở trình độ trung cấp thì cũng không được xếp hạng diễn viên cao hơn, vẫn là diễn viên hạng 4 - hạng thấp nhất. Trong khi đó, đào tạo nghệ thuật tuồng phải đào tạo từ hệ trung cấp mới hiệu quả, phải đào tạo từ bé kỹ năng biểu diễn mới được uốn nắn, thành thục. Việc xếp ngạch, xếp lương cho diễn viên hoàn toàn phụ thuộc bằng cấp là rào cản lớn trong việc thu hút lớp diễn viên kế cận cho nhà hát nói riêng, cho nghệ thuật tuồng nói chung.
Ngược lại, Nhà hát Chèo Việt Nam trong những năm gần đây không thiếu diễn viên trẻ có nguyện vọng về đầu quân. Tuy vậy, NSND Lê Tuấn Cường, quyền Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết: “Nguồn thu của nhà hát hiện không thể đủ để chi trả cho các diễn viên diện hợp đồng. Chỉ cần mỗi diễn viên được trả 3 triệu đồng/tháng, thì với 10 diễn viên trẻ sẽ là 360 triệu đồng/năm. Phải lấy nguồn từ đâu để bù vào chi phí ấy? Chúng tôi không thiếu nguồn nhân lực trẻ nhưng để nhận các em là cả vấn đề. Và các em cũng không thể chấp nhận lương 3 triệu mãi được khi nhu cầu cuộc sống ngày một tăng lên”.
Trong khi đó, các diễn viên trẻ đang đảm nhiệm nhiều công việc của nhà hát, là lực lượng sung sức, đảm đương những vai diễn quan trọng. Như các cụ vẫn thường nói “thầy già, con hát trẻ”, trên sân khấu không thể thiếu những gương mặt trẻ.
Cần có cơ chế linh động
Đào tạo nên một nghệ sĩ có đủ các tiêu chí “thanh - sắc - thục - tinh - khí - thần” là điều rất khó. Tuy vậy, đang có tình trạng không ít nghệ sĩ đứt gánh nghệ thuật giữa chừng bởi nhiều nguyên do khác nhau, trong đó có một nguyên nhân quan trọng là lương diễn viên quá thấp, không thể đảm bảo cuộc sống. Điều này đã tạo nên sự lãng phí trong đào tạo, làm nghề.
“Sân khấu vẫn đang rất miệt mài, kiên nhẫn để tồn tại và phát triển. Các nghệ sĩ vẫn đang cố gắng hết sức để làm nghề. Nhưng nếu không có chế độ đãi ngộ hợp lý thì sẽ xảy ra tình trạng những người có chuyên môn tốt bỏ nghề giữa chừng. Điều đó thực sự đáng tiếc bởi để đào tạo nên một nghệ sĩ có thể gánh vác sứ mệnh thiêng liêng của sân khấu thật không đơn giản” - NSND Hoàng Quỳnh Mai day dứt.
Còn ông Phạm Ngọc Tuấn kiến nghị: Khi xếp ngạch, xếp lương với các nghệ sĩ truyền thống, trong đó có nghệ sĩ tuồng, không nên lệ thuộc vào bằng cấp. Tài năng phụ thuộc năng khiếu, còn đào tạo chỉ là điều kiện cần. Vì thế, cần có cơ chế đặc thù khi trả lương cho nghệ sĩ tuồng ở trình độ trung cấp.
“Tuồng là môn nghệ thuật tổng hợp, có cả hát, múa, diễn và hóa trang. Khi học nghề khó, đào tạo khó, lại kén khán giả… và thu nhập thấp thì còn ai muốn nối tiếp nghề này được? Nếu không tháo gỡ thì chúng ta có lỗi về vấn đề chính sách” - ông Tuấn nói.
Trong khi chờ đợi những thay đổi về chính sách của Nhà nước, những người đóng vai trò quản lý tại nhà hát cũng cần linh động, tạo ra cơ chế hỗ trợ, động viên các diễn viên trẻ. NSND Lê Tuấn Cường chia sẻ kinh nghiệm: “Trăm đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng. Nếu đúng quy định để trả thù lao cho diễn viên thì các em rất thiệt thòi. Vì thế, lãnh đạo nhà hát đã có những sự động viên để các em phấn đấu như cho các em tham gia nhiều kịch mục của nhà hát để tăng thu nhập; tham gia vào các dự án sân khấu học đường; đi biểu diễn ở các vùng biên giới, hải đảo, tham gia các cuộc liên hoan tại nước ngoài…”.
Quyền Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam tin rằng: Nghệ thuật luôn cần tình yêu và sự sáng tạo, lòng tự tôn với nghề. Người giỏi nghề đồng thời cần có đạo đức, nhân cách, không đánh mất cái tôi của mình. Nếu các em đến với nghệ thuật bằng tình yêu, bằng sự học hỏi, chắt chiu và vận động không ngừng thì chắc chắn sẽ được tỏa sáng, được bù đắp xứng đáng.