Ở kịch bản thuận lợi, GRDP TP Hồ Chí Minh năm 2024 có thể tăng 8,0%
Theo kịch bản tăng trưởng kinh tế thành phố Hồ Chí Minh năm 2024, nếu thuận lợi, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố ước tăng 7,5%, cao nhất đạt 8,0%.
Ngày 6-1, UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; quán triệt, triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Đạt mục tiêu dù trải qua nhiều thách thức
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết: GRDP thành phố ước đạt 1.621.191 tỷ đồng (theo giá hiện hành); tăng hơn 5,8% so với năm 2022.
Ngoại trừ kinh doanh bất động sản có mức tăng trưởng âm 6,38%, các ngành còn lại đều có mức tăng trưởng khá. Về giải ngân vốn đầu tư công, tính đến ngày 30-12-2023, đạt hơn 42.931 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 63% tổng số vốn giao. Ước đến 31-1-2024, giải ngân đạt 71% so với tổng số vốn được giao.
Năm 2023, số doanh nghiệp thành lập mới tại thành phố là 52.108 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 470.332 tỷ đồng; tăng 17,4% về số lượng, giảm nhẹ 0,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ.
Về thu hút đầu tư nước ngoài, trong năm 2023, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, thành phố thu hút khoảng 5,85 tỷ USD, tăng 48,5% so với cùng kỳ, chiếm 16% tổng vốn FDI cả nước.
Về thu ngân sách, tổng thu ngân sách nhà nước của thành phố năm 2023 ước thực hiện 446.545 tỷ đồng, đạt 95% dự toán và bằng 94,6% so cùng kỳ (cùng kỳ 471.562 tỷ đồng).
Tăng trưởng kỳ vọng ở mức 7,5%
Năm 2024, thành phố đẩy mạnh triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh; tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư, giúp các nhà đầu tư có thể bước vào giai đoạn thi công xây dựng với các dự án lớn tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu đô thị lấn biển Cần Giờ, cảng Cần Giờ…
Tăng trưởng kinh tế năm 2024 của thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng đạt mức 7,5%, cao nhất đạt 8,0% (kịch bản thuận lợi), cao gấp 1,2-1,3 lần so với năm 2023.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đề ra 5 nhóm giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024: Thể chế, chính sách sát thực tiễn, cơ chế đặc thù thực hiện đầy đủ, hiệu quả; từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bổ sung quỹ đất cho đầu tư, phát triển; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và phát huy vai trò của các tổ công tác tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư; tăng cường khả năng tiếp cận cơ hội đầu tư của nhà đầu tư, doanh nghiệp; tăng cường liên kết vùng.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: Kết quả kinh tế - xã hội của thành phố năm 2023 đạt tích cực, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, năm 2024, khó khăn sẽ nhiều hơn, tuy nhiên thành phố đã có kinh nghiệm thích ứng với khó khăn, thách thức. Đây là “lợi thế mềm” để thành phố linh động, uyển chuyển hơn trước các biến đổi khó lường của tình hình thế giới tác động thị trường xuất khẩu, cũng như tận dụng cơ hội nắm bắt làn sóng đầu tư từ nước ngoài.
Người đứng đầu Đảng bộ thành phố yêu cầu các cấp, các ngành đưa các nghị quyết của Trung ương, của thành phố đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, tránh hình thức. Bên cạnh đó, tăng cường trách nhiệm công vụ, nhất là người đứng đầu; siết chặt kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ, tăng cường giám sát, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không né tránh, không đùn đẩy.