Xây dựng

Vướng mắc trong GPMB Dự án đường vành đai Khu CNC Hòa Lạc: Cần sớm giải quyết dứt điểm

Hoàng Hà 06/01/2024 - 07:31

Trước nguy cơ không còn chỗ ở khi thực hiện giải phóng mặt bằng Dự án đường vành đai Khu công nghệ cao Hòa Lạc (huyện Quốc Oai) do đơn giá bồi thường đất ở và đất trồng chè quá thấp, không được chính sách tái định cư, hàng chục hộ dân ở 2 thôn Long Phú và Hòa Phú, xã Hòa Thạch (huyện Quốc Oai) đã có đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ nguồn gốc đất đai, việc áp giá bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất.

Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án, huyện Quốc Oai cần sớm vào cuộc xem xét, giải quyết thấu đáo, bảo đảm quyền lợi của người dân.

ban-doc.jpg
Các hộ gia đình ở thôn Hòa Phú, xã Hòa Thạch (huyện Quốc Oai) bị thu hồi đất ở nhưng chỉ được áp giá bồi thường 35.000 đồng/m2.

Không đồng tình vì đơn giá bồi thường thấp

Dự án đường vành đai Khu công nghệ cao Hòa Lạc (huyện Quốc Oai), tuyến số 2 được HĐND thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 9-4-2019. Dự án do UBND huyện Quốc Oai làm chủ đầu tư. Năm 2020, công tác giải phóng mặt bằng dự án bắt đầu được triển khai, song đến nay vẫn dở dang.

Ông Lê Anh Tuấn (thôn Long Phú), một hộ dân có đất bị thu hồi cho biết: “Theo dự thảo phương án, tất cả các hộ có đất ở và đất trồng chè bị thu hồi chỉ được nhận “tiền bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại” là 35.000 đồng/m2, không được giao đất tái định cư dù nhiều hộ bàn giao 100% diện tích đất ở. Việc áp giá như vậy là quá thấp; đề nghị làm rõ nguồn gốc sử dụng đất trước khi áp giá bồi thường. Ngoài ra, hầu hết các hộ dân thôn Long Phú và Hòa Phú đều đã xây dựng nhà cửa kiên cố, sinh sống ở đây trên 30 năm..., thế nhưng khi giải phóng mặt bằng dự án, cơ quan chức năng cho rằng đất làm nhà ở của các hộ gia đình là do Công ty cổ phần Chè Long Phú “cho mượn”, không đủ điều kiện để được bồi thường về đất, không đủ điều kiện tái định cư”.

Còn ông Nguyễn Văn Tư (thôn Hòa Phú) nói: “Chúng tôi đã có hơn 30 năm ăn ở ổn định tại đây (từ năm 1991), nay đứng trước cảnh gần như tay trắng khi chỉ được bồi thường 35.000 đồng/m2 đất ở, đất trồng chè. Chúng tôi không biết sẽ đi đâu, về đâu sau khi giải phóng mặt bằng”.

Cùng cảnh ngộ, nhiều hộ dân ở hai thôn Long Phú và Hòa Phú đang rất hoang mang, lo lắng sau khi bị thu hồi đất ở, đất vườn sẽ ăn ở, sinh sống ra sao khi tiền bồi thường được quá ít, lại không được cấp đất tái định cư.

Xem xét, giải quyết thấu đáo

Được biết, để triển khai Dự án đường vành đai Khu công nghệ cao Hòa Lạc, huyện Quốc Oai phải thu hồi 101.052,4m2 đất. Tuy nhiên, đến nay, mới giải phóng mặt bằng được 6.824,1m2; còn 94.228,3m2 chưa giải phóng mặt bằng, trong đó có 80.112,1m2 của 112 hộ ở 2 thôn Long Phú và Hòa Phú (xã Hòa Thạch) và 1 tổ chức. Tiến độ giải phóng mặt bằng dự án chậm do các hộ dân có đất bị thu hồi gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng...

Liên quan đến vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho biết, căn cứ vào hồ sơ quản lý đất đai của Công ty cổ phần Chè Long Phú, đất ở và đất trồng chè của các hộ là đất được công ty cho mượn (thể hiện tại hợp đồng nhận khoán đất trồng chè, biên bản bàn giao mốc giới giữa Công ty cổ phần Chè Long Phú với các hộ), chưa được cấp “sổ đỏ” đất ở, đất trồng chè đến hộ (sổ đỏ vẫn đứng tên Công ty cổ phần Chè Long Phú). Do đó, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện chỉ tính “tiền bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại”, bồi thường, hỗ trợ cây cối, hoa màu, tài sản trên đất cho các hộ; không được bồi thường về đất, tái định cư khi thu hồi.

Trong khi đó, ông Lê Anh Tuấn, thôn Hòa Phú cho rằng, thực tế đã có những văn bản của cơ quan quản lý đề cập về việc Công ty cổ phần Chè Long Phú giao cho các gia đình đất trồng chè và đất ở (thổ cư). Đơn cử, tại Quyết định số 20/QĐ-UB ngày 28-1-1992 của UBND tỉnh Hà Tây về một số chính sách khuyến khích khai hoang, mở rộng diện tích trồng chè ghi rõ: “Mỗi hộ được giao bình quân 5.000m2 đất (trong đó được sử dụng 200m2 làm thổ cư)”.

Ngày 21-1-1994, UBND tỉnh Hà Tây ban hành Quyết định số 32/QĐ-UBND về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho Công ty cổ phần Chè Long Phú, tổng diện tích 390,6923ha đất tại xã Hòa Thạch, trong đó có mục “11,5332ha đất khu dân cư”, thời hạn sử dụng lâu dài. Như vậy, nếu chỉ căn cứ vào hợp đồng nhận khoán và biên bản bàn giao mốc giới giữa Công ty cổ phần Chè Long Phú với các hộ dân để khẳng định là đất ở, đất trồng chè do công ty cho các hộ dân mượn là chưa chính xác.

Được biết, tiếp nhận kiến nghị của người dân thôn Long Phú và Hòa Phú, UBND huyện Quốc Oai đã giao các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát, tham mưu UBND huyện xem xét, giải quyết. Hy vọng, với sự vào cuộc của UBND huyện Quốc Oai và các cơ quan chức năng, kiến nghị của người dân thôn Long Phú và Hòa Phú sớm được giải quyết.