Tăng tốc sớm hoàn thành xây dựng nông thôn mới
Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025" đặt mục tiêu đến năm 2025, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Ngay những ngày đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII tiếp tục đề ra nhiều giải pháp, yêu cầu các cấp, ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, tăng tốc triển khai nhiệm vụ để sớm đạt được các mục tiêu đã đề ra...
Hoàn thành 25/33 chỉ tiêu
Với rất nhiều cố gắng, năm 2023, huyện Đông Anh có thêm 8 xã đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đáng chú ý, các xã đã huy động được nguồn lực đầu tư rất lớn cho Chương trình xây dựng nông thôn mới. Chủ tịch UBND xã Nguyên Khê (huyện Đông Anh) Nguyễn Khắc Tuấn thông tin, từ năm 2011 đến nay, xã huy động được hơn 525 tỷ đồng, nhờ đó, năm 2023, xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Thanh Trì cũng là địa phương có bứt phá mạnh mẽ trong xây dựng nông thôn mới. Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng cho biết, năm 2023, có 8 xã của huyện đủ điều kiện hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó 2 xã đạt kiểu mẫu toàn diện 8/8 lĩnh vực. Trên cơ sở kết quả đạt được, thành phố đã và đang đề nghị đoàn thẩm định của trung ương về đánh giá huyện Thanh Trì hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao năm 2023.
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đề ra 33 chỉ tiêu, đến hết năm 2023 đã có 25 chỉ tiêu hoàn thành. Dự kiến đến hết năm 2023, lũy kế có 183 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Chương trình số 04-CTr/TU đề ra, đến năm 2025 có 156 xã); hoàn thành 48 xã, nâng tổng số lên 68 xã nông thôn mới kiểu mẫu (Chương trình số 04-CTr/TU đề ra, đến năm 2025 có 80 xã). Còn chỉ tiêu về OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), kế hoạch của thành phố sẽ đánh giá, phân hạng 400 sản phẩm, nhưng năm 2023 đã có 545 sản phẩm…
“Với những kết quả đạt và vượt kế hoạch được giao, Chương trình xây dựng nông thôn mới được đề cử bình chọn là một trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô trong năm 2023”, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho hay.
Dồn lực hoàn thành xây dựng nông thôn mới
Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU vẫn còn một số hạn chế. Thu nhập của người dân khu vực nông thôn năm 2023 mới đạt 64,26 triệu đồng/người (kế hoạch là 70 triệu đồng/người/năm); số trường công lập đạt chuẩn quốc gia chiếm 75% (kế hoạch là 81%); tỷ lệ thôn có nhà văn hóa đạt 98,7% (kế hoạch là 100%) và còn hơn 100 xã, người dân chưa được sử dụng nước sạch.
Theo Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Bùi Hoàng Phan, số người dân được sử dụng nước sạch tập trung trên địa bàn huyện mới đạt 43%, trong đó có tới 10 xã chưa có nước sạch.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, trong đó có khó khăn về nước sạch, tại Hội nghị giao ban quý IV-2023 của Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII diễn ra mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát, đôn đốc các đơn vị, nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án cấp nước sạch đã được UBND thành phố chấp thuận, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu cấp nước được giao theo kế hoạch.
Năm 2024, thành phố Hà Nội đề ra mục tiêu hoàn thiện hồ sơ "Thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới" và có ít nhất 4 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thành phố sẽ quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, dồn lực để hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Liên quan đến mục tiêu “Thành phố hoàn thành xây dựng nông thôn mới”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, đến hết năm 2023, Hà Nội có 5/8 chỉ tiêu cơ bản hoàn thành; còn 3/8 chỉ tiêu tiếp tục phấn đấu xây dựng, hoàn thành trong năm 2024.
Đối với mục tiêu huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, hiện thành phố đã có 6 huyện: Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Thanh Oai phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao. Dự kiến đến cuối năm 2024, thành phố cơ bản đáp ứng được chỉ tiêu này…
Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng thông tin, ngày 3-1 vừa qua, 3 xã cuối cùng của huyện là Liên Hồng, Hạ Mỗ, Thọ An đã được đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, nâng số xã đạt chuẩn lên 100%. Huyện đang đẩy nhanh thực hiện các tiêu chí còn lại để hoàn thành mục tiêu huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao...