Nông nghiệp - Nông thôn

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ngành Nông nghiệp "được mùa, được giá"

Ngọc Quỳnh 03/01/2024 19:05

“Trong thành tích chung của cả nước, nông nghiệp được mùa, được giá, tôi ghi nhận, đánh giá cao đóng góp của toàn ngành; đời sống bà con được nâng lên rõ rệt, đồng bào càng thêm vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước”, Thủ tướng nói.

Chiều 3-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành NN&PTNT. Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính - trụ sở Bộ NN&PTNT đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

quang-canh-hop-thu-tuong-3-1.jpg
Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp năm 2023. Ảnh: Tùng Đinh

Tham dự hội nghị có lãnh đạo Bộ NN&PTNT, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Dự tại điểm cầu UBND thành phố Hà Nội, có Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền.

Dấu ấn ngành Nông nghiệp năm 2023

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ngành NN&PTNT thực hiện Kế hoạch năm 2023 trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, trong đó, đặc biệt khó khăn về thị trường xuất khẩu lâm sản và thủy sản.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành đã chuyển đổi mạnh mẽ tư duy kinh tế nông nghiệp hội nhập quốc tế, bám sát thực tiễn, quyết liệt, linh hoạt, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn; duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện; thể hiện nổi bật ở nhiều mặt và lĩnh vực, như: Tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,83% - cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế; tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản duy trì mức cao, hơn 53 tỷ USD; thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay (12,07 tỷ USD, tăng 43,7%).

Bên cạnh đó, ngành cũng có một số bước tiến trong xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 6.370/8.167 (78%) xã đạt chuẩn nông thôn mới; đổi mới tổ chức sản xuất, thực hiện chuyển đổi số, kịp thời làm việc với các hội, hiệp hội tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân.

Năm 2024, ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,0-3,5%, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản 54-55 tỷ USD… Để đạt được những mục tiêu cho năm tiếp theo, ngành tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thực hiện các luật, chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành.

hnm.1cdn.vn-2018-11-12-_hanoimoi.com.vn-uploads-tuandiep-2018-11-12-_xuat-khau-gao.jpg
Xuất khẩu gạo đạt kỷ lục trong năm 2023.

Theo đó, tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi; định hướng kế hoạch sản xuất phù hợp với thị trường; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công; phát triển khoa học công nghệ gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn...

Sự chuyển đổi mạnh mẽ

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng thành công của toàn ngành NN&PTNT. “Trải qua giai đoạn đầy biến động, ngành Nông nghiệp vượt cơn gió ngược, thu được nhiều kết quả đáng trân trọng. Ngành Nông nghiệp Việt Nam từ bị động, lúng túng chuyển trạng thái sang chủ động, tự tin, sáng tạo, đưa ra nhiều sáng kiến để xoay chuyển tình thế. Về sản xuất, chế biến, người dân và doanh nghiệp cũng chuyển trạng thái từ phòng ngự, chống đỡ sang đột phá trong nông nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đóng góp lớn vào giá trị xuất khẩu là ngành hàng rau quả, với con số kỷ lục 5,6 tỷ USD, cao gấp rưỡi so với kỷ lục được thiết lập trước đó vào năm 2018 là 3,81 tỷ USD. Bên cạnh đó, sầu riêng vươn lên trở thành mặt hàng rau quả xuất khẩu số 1 với kim ngạch hơn 2 tỷ USD trong năm 2023.

Thủ tướng khẳng định, nền kinh tế Việt Nam là điểm sáng trong khu vực, theo đánh giá của các ngân hàng phát triển đa phương. Trong đó, thương mại nông, lâm, thủy sản góp phần ổn định đời sống người dân.

thu-tuong-chinh-phu.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận đóng góp của ngành Nông nghiệp đối với nền kinh tế. Ảnh: Bảo Thắng

Người đứng đầu Chính phủ ghi nhận đóng góp của ngành Nông nghiệp đối với nền kinh tế: “Năm qua, Việt Nam xuất siêu 28 tỷ USD, một phần do chúng ta giảm nhập khẩu nguyên liệu chế biến. Các doanh nghiệp, nông dân có xu hướng sử dụng nguyên liệu đầu vào nội địa, góp phần bình ổn thị trường. Chúng ta có nhiều chủ trương đúng đắn trong bối cảnh an ninh lương thực đứng trước nhiều rủi ro. Với những sáng kiến của các bộ, ngành, địa phương, Việt Nam dần trở thành đất nước có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Vòng đời cây lúa ngày càng ngắn lại, 1 năm có thể sản xuất 3 vụ, là thành tựu của khoa học công nghệ về chọn tạo, nghiên cứu giống.

Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam từ một quốc gia phải nhập khẩu lương thực đã trở thành nhà xuất khẩu gạo nằm trong tốp 3 thế giới. Nhờ các giống mới, chất lượng, các tiến bộ kỹ thuật, sản lượng lúa năm qua đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022 dù diện tích giảm khoảng 9.000ha. Năm 2023, quy mô kinh tế nước ta đạt 430 tỷ USD, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, thu nhập GDP khoảng 4.300 USD/người.

Trong thành tích chung của cả nước, nông nghiệp được mùa, được giá, tôi ghi nhận, đánh giá cao đóng góp của toàn ngành; đời sống bà con được nâng lên rõ rệt, đồng bào càng thêm vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh một số điểm quan trọng khác, như: Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và xây dựng thể chế, Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều nhiệm vụ một cách linh hoạt, sáng tạo, tập trung xây dựng, trình nhiều chương trình, đề án như Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030; dự thảo Nghị định quy định về chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi; dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại nông nghiệp…

Bộ NN&PTNT cũng đã chủ động đề xuất lãnh đạo Chính phủ làm việc với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, lâm sản và thủy sản. Trên cơ sở đề xuất của Bộ NN&PTNT, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có gói tín dụng ưu đãi 15.000 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được hơn 70%. Từ đó, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ về tín dụng cho ngành Nông nghiệp.

Chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh nông nghiệp thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, công nghiệp hóa nông nghiệp, xây dựng nông dân trí thức là những tư tưởng mới hướng đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nâng cao trình độ, năng lực hiểu biết, kỹ năng của nông dân. Trên tinh thần đó, ngành Nông nghiệp đã có tốc độ tăng trưởng GDP 3,83%. Theo Thủ tướng, đây là mức đóng góp cao, giải quyết được vấn đề việc làm ở nông thôn, giải quyết lạm phát, khẳng định vai trò trụ đỡ…

Về các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024, Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành từ 3,5-4,0%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản từ 55 tỷ USD trở lên.

Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng đề nghị ngành vượt qua những khó khăn, thách thức "biến không thành có, biến khó thành dễ", bám sát phương châm chỉ đạo của Chính phủ với 16 chữ: Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững"; quán triệt nghiêm túc các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT ổn định tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ tinh gọn, hiệu quả; tập trung cho đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, coi đây là động lực cho xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nông nghiệp sinh thái; phát triển thị trường carbon; tiếp tục hoàn thiện thể chế, quy hoạch; phân cấp, phân quyền; thực hiện đồng bộ, hiệu quả, phát triển sản phẩm OCOP; tổ chức lại sản xuất, gắn với chuyển đổi số, kinh tế số, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa, chế biến sâu…

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NN&PTNT làm tốt dự báo, cung cầu thông tin thị trường; triển khai thực hiện tốt các FTA, đồng thời mở rộng, giảm phụ thuộc vào một số thị trường; tập trung phát triển kinh tế biển; tăng cường bảo vệ phát triển rừng; thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và đẩy mạnh hội nhập hợp tác quốc tế. Đối với các địa phương, Thủ tướng đề nghị tiếp tục phát huy sức mạnh nội lực, không trông chờ, ỷ lại, đi lên từ khung trời, cửa biển, bàn tay, khối óc, chủ động, tích cực...