Giáo dục

Giáo dục Thủ đô: Vượt thách thức trên hành trình đổi mới

Thống Nhất 03/01/2024 - 06:50

Năm 2024 mở ra không ít kỳ vọng nhưng cũng đầy thách thức với ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trên hành trình đổi mới theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Kết quả đạt được trong năm qua là nền tảng, động lực để thầy, trò toàn ngành thêm quyết tâm. Dù vậy, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô vẫn đứng trước nhiều thách thức cần vượt qua, nhất là khi dân số của thành phố tăng nhanh.

lop-hoc.jpg
Giảng dạy cho học sinh tại Trường Tiểu học Tân Hội (huyện Đan Phượng). Ảnh: Nguyễn Quang

Tiếp tục khẳng định vị thế “đầu tàu”

Nhìn lại hành trình đổi mới giáo dục khi thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế trong 10 năm qua, có thể thấy rõ những khởi sắc rõ nét của giáo dục Thủ đô.

Năm 2023, kết quả tốt nghiệp trung học phổ thông của học sinh toàn thành phố tăng 11 bậc so với năm 2022 - mức tăng cao nhất trong 10 năm qua. Bộ Giáo dục và Đào tạo không xếp hạng các địa phương về kết quả tốt nghiệp, song sự bứt phá từ vị trí thứ 27 lên vị trí thứ 16 của ngành Giáo dục Hà Nội không chỉ tiếp tục khẳng định vị thế của đơn vị “đầu tàu” về giáo dục, mà còn là kết quả của sự nỗ lực khắc phục khó khăn của toàn ngành, nhất là ở những trường có “đầu vào” thấp. Điển hình như Trường Trung học phổ thông Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức) chỉ còn 4 học sinh trượt, giảm 18 em so với năm 2022; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Sơn Tây có 2 học sinh trượt, giảm 5 em…

Là trường có điểm tuyển sinh hằng năm thấp nhất thành phố với điểm xét tuyển chỉ trên dưới 4 điểm/môn, song với nhiều nỗ lực và quyết tâm, năm 2023, tỷ lệ tốt nghiệp của Trường Trung học phổ thông Minh Quang (huyện Ba Vì) đạt 100%. Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Duy Bỉnh cho hay, do tỷ lệ học sinh khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn còn nhiều, nhà trường ưu tiên hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. ““Bí quyết” của trường là học đến đâu kiểm tra đến đó, sàng lọc những học sinh chưa đạt yêu cầu để bổ trợ ngay” - Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Duy Bỉnh thông tin.

Năm 2023, học sinh thành phố tiếp tục dẫn đầu về số lượng và chất lượng giải thưởng trong kỳ thi học sinh giỏi với 12 học sinh đoạt giải quốc tế, 141 học sinh đoạt giải quốc gia. Đáng chú ý, trong đội tuyển gồm 234 học sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia diễn ra vào ngày 5 và 6-1-2024, bên cạnh những thành viên của các trường chuyên, có sự góp mặt của một số học sinh đến từ các trường trung học phổ thông còn rất khó khăn như Minh Quang, Phùng Khắc Khoan (huyện Thạch Thất)… Đặc biệt, học sinh Thủ đô tham gia tranh tài ở đủ 4 thứ tiếng của môn ngoại ngữ gồm: Anh, Pháp, Nga, Trung trong kỳ thi quốc gia. Điều này thể hiện tinh thần chủ động đón đầu của học sinh và các nhà trường trong bối cảnh hướng đến hội nhập quốc tế.

Năm 2023 cũng là năm đầu tiên học sinh thành phố có một sân chơi nghệ thuật thông qua liên hoan các ban nhạc. Những nỗ lực này đang tạo đà để học sinh Thủ đô có thêm sức bật nhằm gặt hái thêm nhiều thành công trong năm mới.

Giải “bài toán” chỗ học và nâng cao chất lượng

Năm 2024, ngành Giáo dục tiếp tục hành trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Kết quả đánh giá nửa chặng đường triển khai vào cuối năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định, chương trình mới bước đầu chứng tỏ sự phù hợp nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó có việc thiếu giáo viên, thiết bị dạy học chưa đáp ứng yêu cầu...

Là đơn vị có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với 2,3 triệu học sinh, hơn 2.800 trường học, số lượng học sinh mỗi năm đều tăng từ 40.000 đến 60.000 em, Hà Nội đứng trước thách thức lớn khi vừa phải giải bài toán không để xảy ra tình trạng thiếu chỗ học, vừa phải nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và kỳ vọng của người dân.

Giải pháp mới được ngành Giáo dục Thủ đô đề ra trong năm 2024 là tổ chức tuyển sinh trực tuyến ở tất cả các trường. Nhằm giảm khoảng cách về chất lượng giữa các địa bàn, Hà Nội đang tích cực triển khai phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm”. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu chia sẻ, phong trào nhận được sự hưởng ứng tích cực trong gần một năm qua. Thông qua các tiết dạy mẫu, trao đổi phương pháp giảng dạy, giáo viên các trường ở vùng khó khăn được tiếp cận với nhiều sáng kiến hay, có thêm kinh nghiệm dạy học, nhất là với các môn học mới...

Để giữ vững vị thế “đầu tàu” về chất lượng giáo dục của Thủ đô, theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, Sở sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung quy hoạch mạng lưới trường học, phát triển đội ngũ nhà giáo...

the-cuong.jpg

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương:

Phát triển đội ngũ nhà giáo là giải pháp trọng tâm

Chặng đường 10 năm triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TƯ đã đem lại những chuyển biến rõ nét về giáo dục và đào tạo, tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển và kỳ vọng ngày càng cao của nhân dân, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố vẫn đứng trước nhiều thách thức. Để thực hiện tốt Chỉ thị số 32/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội xác định phát triển đội ngũ nhà giáo là giải pháp trọng tâm. Thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đãi ngộ như cấp kinh phí cho cán bộ, giáo viên đi học sau đại học; đưa giáo viên đi bồi dưỡng, nâng cao phương pháp giảng dạy ở nước ngoài... Phía ngành Giáo dục cũng chủ động triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc phát động phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia kinh nghiệm” giai đoạn 2022-2025, góp phần thu hẹp khoảng cách về chất lượng đội ngũ giữa các trường khu vực nội thành và ngoại thành.

Để tiếp tục tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo, Hà Nội đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, xem xét tham mưu Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện để thực hiện được chính sách về lương cho nhà giáo.

tung-lam.jpg

Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam Nguyễn Tùng Lâm:

Xây dựng trường học tự chủ, nhân văn và sáng tạo

Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần tập trung xây dựng trường học với 4 yếu tố: Tự chủ, dân chủ, nhân văn và sáng tạo. Trong đó yếu tố tự chủ rất quan trọng. Để tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TƯ, tạo chất lượng giáo dục đồng đều trên địa bàn toàn thành phố, các trường công lập cần được trao quyền tự chủ nhiều hơn. Các nhà trường cần được tự chủ để tuyển dụng được giáo viên giỏi, khích lệ giáo viên cống hiến; tự chủ để sử dụng kinh phí của Nhà nước hiệu quả, minh bạch, phục vụ tốt quá trình phát triển của nhà trường và sự tiến bộ của học sinh.

Mỗi nhà trường cũng cần tự chủ để lựa chọn phương pháp giáo dục, xây dựng chương trình giáo dục phù hợp với học sinh đơn vị mình và điều kiện giáo dục, giúp học sinh phát huy tối đa năng lực, phẩm chất. Bên cạnh yếu tố tự chủ, tính nhân văn trong giáo dục cũng cần được đề cao với tinh thần lấy học sinh làm trung tâm, bám sát mục tiêu giáo dục không tạo áp lực, không chạy theo thành tích giả tạo và tổ chức dạy thật, học thật, đánh giá thật.

phu-huynh.jpg

Ông Phạm Hải Lương, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm):

Mong bớt đôn đáo tìm chỗ học mỗi mùa tuyển sinh

Mối lo lớn nhất của phụ huynh học sinh khi đến mùa tuyển sinh là sợ thiếu chỗ học, hoặc chỗ học không như mong muốn. Cơ quan chức năng đã chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến những áp lực tuyển sinh ở các trường học trên địa bàn thành phố như tốc độ gia tăng dân số nhanh, quy hoạch mạng lưới trường học chưa đồng đều, do tâm lý chọn trường của một bộ phận cha mẹ học sinh. Tuy nhiên còn có một nguyên nhân khác là do chất lượng giáo dục giữa các nhà trường chưa đồng đều, nhất là giữa các trường ở địa bàn nội thành và ngoại thành, ở khối công lập và ngoài công lập.

Trước dự báo về quy mô học sinh tiếp tục tăng, tôi mong muốn các cấp chính quyền thành phố quyết liệt hơn, ưu tiên bố trí quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu vực đông dân cư để xây thêm trường học; với các trường ở nội thành khó thể mở rộng thì có thể được cải tạo nâng tầng. Từ đó, phụ huynh bớt đôn đáo tìm chỗ học mỗi mùa tuyển sinh. Nếu không quyết liệt giải quyết thì việc cha mẹ học sinh phải xếp hàng trong mùa tuyển sinh vẫn khó giải quyết dứt điểm.

Hồng Hạnh ghi