Nghị quyết và Cuộc sống

Ngành Hải quan thành phố Hà Nội tập trung cải cách hành chính: Giúp doanh nghiệp thuận kinh doanh, lợi cạnh tranh

Ngô Hương 03/01/2024 - 06:30

Thời gian qua, Cục Hải quan thành phố Hà Nội chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, giúp quản lý nhà nước về hải quan tại đơn vị ngày càng hiệu quả; đồng thời tạo thuận lợi, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Điều này đã thể hiện đúng với một trong 5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm được nêu tại văn kiện Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội là “đẩy mạnh cải cách hành chính; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh...”.

hai-quan.jpg
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh (Cục Hải quan Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Linh

90,6% thủ tục hành chính đạt mức độ 4

Về ứng dụng công nghệ thông tin trong phục vụ quản lý, điều hành, Cục Hải quan thành phố Hà Nội đã xây dựng các hệ thống phần mềm tiện ích, nhằm nâng cao mức độ tự động hóa, phục vụ chỉ đạo điều hành từ cục đến chi cục và các đội, tổ; cũng như nhiều chức năng hỗ trợ cho công chức hải quan thực thi nghiệp vụ. Các hệ thống này đã phát huy hiệu quả tích cực, tạo môi trường làm việc điện tử cho công chức trong đơn vị...

Đáng chú ý, Cục Hải quan thành phố Hà Nội là đơn vị đi đầu trong việc thí điểm toàn diện, hiệu quả Hệ thống một cửa quốc gia và Hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động tại cảng hàng không quốc tế. Đến thời điểm này, 100% hãng hàng không đã gửi thông tin tới Cổng thông tin “một cửa” quốc gia và kết nối toàn bộ đối với các kho hàng không; tỷ lệ xử lý tự động của hệ thống đạt ổn định trên 99%; thời gian thông quan 1 lô hàng được giảm từ 3 đến 6 giờ xuống còn dưới 10 phút...

Trước đó, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, Cục Hải quan Hà Nội là đơn vị đi đầu thí điểm hệ thống thông quan hàng hóa tự động “một cửa” quốc gia VNACCS/VCIS, làm cơ sở cho việc triển khai nhân rộng hệ thống trên toàn quốc. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến cũng được đẩy mạnh. Đơn vị đã triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến trong toàn Cục với 181 thủ tục hành chính. Trong đó, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 là 173 thủ tục (chiếm 95,6% số lượng thủ tục hành chính) và có 164 thủ tục hành chính đạt mức độ 4 (đạt 90,6% số lượng thủ tục hành chính).

Tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp

Giám đốc Công ty cổ phần Máy và thiết bị công nghiệp Phúc Thái Bùi Ngọc Thận chia sẻ: “Thời gian qua, việc thông quan hàng hóa đã thuận lợi hơn rất nhiều so với trước, hàng hóa nhập về được thông quan nhanh chóng, giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Việc nộp thuế cũng được thực hiện gọn nhẹ qua mạng, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí”.

Những kết quả trên là tiền đề quan trọng để ngành Hải quan Hà Nội tiếp tục triển khai các kế hoạch cải cách, hiện đại hóa, đặc biệt là kế hoạch chuyển đổi số. Đối với kế hoạch chuyển đổi số, Cục Hải quan thành phố Hà Nội xác định phải bám sát chỉ đạo, định hướng của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội để xây dựng, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số tại đơn vị.

Với lộ trình triển khai hải quan số, tất cả các bước trong quy trình nghiệp vụ hải quan được thực hiện trên môi trường số, nền tảng số; sử dụng và kết nối các thiết bị thông minh phục vụ giám sát hải quan; sử dụng công cụ phân tích dữ liệu số phục vụ quản lý, điều hành. Hải quan Hà Nội cũng xác định, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục, cho phép doanh nghiệp khai báo và thực hiện thủ tục hải quan mọi lúc, mọi nơi, trên mọi phương tiện; doanh nghiệp được thụ hưởng lợi ích như thời gian thông quan hàng hóa nhanh chóng, giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội Hoàng Quốc Quang cho biết, Cục Hải quan thành phố Hà Nội triển khai đồng bộ các giải pháp như xây dựng chuyên đề về cải cách, hiện đại hóa và ứng dụng công nghệ thông tin... để hướng tới mục tiêu góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế theo các chuẩn mực của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).