Công nghiệp văn hóa

Tất bật làng gốm Bát Tràng

Ánh Dương 02/01/2024 16:11

Những ngày cuối năm Quý Mão, làng nghề Bát Tràng (huyện Gia Lâm) trở nên nhộn nhịp, đông đúc hơn. Từng đoàn xe tải chở những chuyến hàng gốm sứ đi muôn nơi; nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế tìm đến tham quan, mua sắm…

img_20240102_133353.jpg
Nhiều đoàn khách quốc tế đến tham quan quy trình sản xuất gốm sứ ở Bát Tràng.

Tấp nập khách

Tại xưởng sản xuất của Công ty TNHH gốm sứ Cương Duyên (xã Bát Tràng), anh Phạm Duy Tân - là phụ trách kỹ thuật, vừa đôn đốc tiến độ, vừa nhanh nhẹn giới thiệu với đoàn khách gần 40 người đến từ tỉnh Bắc Ninh về quy trình làm sản phẩm gốm sứ. Ngay lúc đó, có 2 đoàn khách người Thái Lan và Australia cùng bước vào, muốn tham quan.

Dù đang ngổn ngang công việc, nhưng chị Nguyễn Linh Trang - Phó Giám đốc Công ty vẫn dành thời gian đưa khách đi thăm xưởng, thuyết trình bằng tiếng Anh về lịch sử phát triển, cách sản xuất, tính năng, tác dụng của từng sản phẩm... cho 2 đoàn khách nước ngoài.

20231223_085731.jpg
Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi giới thiệu về lịch sử phát triển nghề gốm của địa phương với đoàn khách tỉnh Bắc Ninh.

Chị Trang cho biết: Khách hàng trong nước và quốc tế đều rất muốn tìm hiểu về nghề làm gốm của Bát Tràng, đặc biệt là những sản phẩm làm thủ công. Mỗi khi đến địa phương, họ sẽ liên hệ để vào tham quan các xưởng sản xuất trước khi chọn mua. Những ngày giáp Tết Âm lịch, lượng khách tăng lên gấp 3-4 lần, lượng sản phẩm cơ sở xuất bán cũng tăng gấp đôi so với trong năm. Tính trung bình mỗi tuần, gốm sứ Cương Duyên đón từ 20-25 đoàn khách quốc tế từ các nước: Pháp, Đức, Australia, Singapore, Thái Lan… tham quan, mua sắm.

Sau khi tham quan làng nghề, bà Waranya Lertworakitpipat, đến từ Chiang Mai (Thái Lan) lựa chọn bộ đèn dầu bằng gốm để mang về quê hương. Bà Waranya Lertworakitpipat cho biết sẽ giới thiệu với người thân, bạn bè về sản phẩm gốm sứ đẹp, độc đáo và sẽ về lại Bát Tràng...

20231223_093540.jpg
Dù khách hứng thú với những nét vẽ tỉ mỉ trên mỗi sản phẩm gốm Bát Tràng.
20231223_093158.jpg
Sản phẩm gốm sứ được bàn tay tài hoa của người thợ khắc họa thành tác phẩm nghệ thuật riêng biệt.

Cùng với đáp ứng nhu cầu khách hàng ở Hà Nội, sản phẩm gốm sứ Cương Duyên còn được đưa đến thị trường các tỉnh, thành phố lớn như: Ninh Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An… Công ty cũng đang tạo việc làm ổn định cho hơn 200 lao động với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.

Còn tại cửa hàng gốm sứ Vạn An Lộc, nơi chuyên sản xuất, cung cấp ra thị trường các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cao cấp, được khách hàng ưa chuộng, như: Đồ thờ đắp nổi, vẽ vàng, dát vàng; bình sứ trang trí nội thất, bình nghệ thuật men 3D… cũng nhộn nhịp khách ra - vào.

Giám đốc Công ty TNHH gốm sứ Vạn An Lộc - Nghệ nhân Vũ Như Quỳnh cho biết: Sản phẩm gốm sứ của Vạn An Lộc được phân phối đến hàng trăm đại lý trên toàn quốc, tập trung nhiều ở Hà Nội, Bắc Ninh, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Tuyên Quang... Để phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán Giáp Thìn, gốm sứ Vạn An Lộc mới ra mắt dòng hũ mứt sứ, được chế tác tỉ mỉ, đang được đông đảo khách hàng đón nhận.

img_20240102_142402.jpg
Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng được trưng bày, giới thiệu tại các hội nghị, hội chợ do huyện Gia Lâm tổ chức.

Không chỉ thu hút, đắt khách mua sản phẩm gốm sứ gia dụng, đồ thờ, đồ trang trí, các cơ sở sản xuất của Bát Tràng cũng tập trung chuyển đổi nghiên cứu, sản suất gốm sứ ứng dụng trong lĩnh vực xây dựng như tranh gốm ghép tường. Loại tranh này đã hiện diện trên nhiều công trình, kiến trúc tại các điểm du lịch trong và ngoài nước, đem lại giá trị kinh tế cao...

Sản phẩm phong phú, đa dạng

Sản phẩm gốm sứ ở Bát Tràng phong phú, đa dạng, được làm thủ công, với các màu men lam, nâu, rạn, xanh ngọc đặc trưng, xanh coban, trang trí các họa tiết hoa, lá, chim, thú, phong cảnh sơn thủy hữu tình, phù hợp từng loại sản phẩm, đáp ứng thị hiếu khách hàng.

img_20240102_135306.jpg
Gốm Bát Tràng đa dạng mẫu mã.

Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi cho biết: Xã có 2 làng nghề truyền thống làm gốm sứ là Bát Tràng và Giang Cao với hơn 100 nghệ nhân; gần 200 doanh nghiệp, 4 công ty cổ phần, 115 công ty trách nhiệm hữu hạn, 8 hợp tác xã và gần 1.000 hộ sản xuất, kinh doanh gốm sứ. Các cơ sở đã và đang giải quyết việc làm, bảo đảm ổn định đời sống cho lao động địa phương và từ 4.000-5.000 lao động. Giá trị sản xuất gốm sứ và thương mại trên địa bàn xã ước đạt hơn 2.000 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân toàn xã đạt hơn 90 triệu đồng/người/năm.

Không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước, gốm Bát Tràng còn được xuất khẩu tới nhiều nước châu Á, châu Âu, châu Mỹ. Nhiều sản phẩm là tác phẩm nghệ thuật được chọn làm quà tặng nhân các sự kiện quốc tế.

Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, hằng năm, Bát Tràng tích cực đăng ký tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, Bát Tràng có hơn 50 sản phẩm gốm sứ đạt OCOP 4-5 sao.

Đón Xuân Giáp Thìn, người làm nghề ở Bát Tràng đang nỗ lực làm ra nhiều sản phẩm độc đáo, đẹp mắt… đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng thu nhập, nâng cao hơn nữa chất lượng đời sống...