Nghệ sĩ piano Đào Trọng Tuyên: Âm nhạc phải kể được câu chuyện văn hóa Việt Nam
Là một trong số các nghệ sĩ biểu diễn piano hàng đầu hiện nay, đồng thời là một giảng viên có nhiều kinh nghiệm, Tiến sĩ, nghệ sĩ piano Đào Trọng Tuyên luôn đề cao yếu tố “hồn Việt”.
Anh cho rằng những tác phẩm âm nhạc viết riêng cho cây đàn piano của các nhạc sĩ trong nước phải kể được câu chuyện về văn hóa Việt Nam.
- Thưa nghệ sĩ piano Đào Trọng Tuyên, hồi tưởng một chút về những ngày đầu đến với âm nhạc, ngoài việc được sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, điều gì khiến anh say mê với cây đàn piano như vậy?
- Tôi may mắn được học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam từ năm 1980 đến 1990 khi đất nước vừa thống nhất, trong một không khí rất lạc quan. Đặc biệt khi ấy nghệ sĩ Đặng Thái Sơn đoạt giải Nhất cuộc thi piano quốc tế Fryderyk Chopin, nghệ sĩ Tôn Nữ Nguyệt Minh đoạt giải ba cuộc thi piano quốc tế B.Sme’tana (Tiệp Khắc) đã trở thành nguồn cảm hứng, động viên cho nhiều thế hệ học trò chúng tôi.
Vượt qua những khó khăn về kinh tế, sự nhiệt huyết của cả thầy và trò đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm. Có thể coi đó là quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời tôi!
Bên cạnh những bản nhạc quốc tế, trong chương trình của khoa Piano luôn có một yêu cầu là phải chơi những tác phẩm Việt Nam. Nhiều nhạc sĩ cũng đã viết những tác phẩm có giá trị cho piano ở nhiều trình độ khác nhau, từ sơ cấp, trung cấp đến đại học. Tôi đã trải qua nhiều kỷ niệm đáng nhớ khi học những bản nhạc đó, đem lại cho tâm hồn tôi sự phong phú về cảm xúc cũng như sự phong phú khi được hiểu thêm về kho tàng âm nhạc Việt Nam.
- Anh còn nhớ mình đã từng chơi những tác phẩm âm nhạc Việt Nam nào viết cho piano ở thuở ban đầu ấy?
- Tôi nhớ bản nhạc Việt Nam đầu tiên tôi được học chính là bản “Múa quạt” do Nhà giáo Nhân dân Thái Thị Liên biên soạn từ kho tàng dân ca Việt Nam.
Có thể nói bà là người đã chuyển soạn rất thành công, khai thác những giai điệu hay của dân ca và những tác phẩm ấy rất thích hợp cho những bạn bắt đầu học đàn, giai đoạn sơ cấp. Mỗi khi chơi lại tác phẩm này, tôi như được trở lại giai đoạn học sinh và luôn luôn cảm thấy gần gũi, thân thuộc. Bản nhạc này, tôi cũng dạy cho nhiều thế hệ học trò và càng đánh giá cao những công sức của những nghệ sĩ, nhà giáo như Nhà giáo Nhân dân Thái Thị Liên.
Hay như tác phẩm “Vũ khúc Tây Nguyên” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, là biến tấu trên chủ đề dân ca Tây Nguyên, tôi cũng rất thích. Hiện nay tôi đang làm công tác biên soạn tuyển tập các tác phẩm Việt Nam cho piano.
- Anh là học trò của NSND Đặng Thái Sơn và Nhà giáo Nhân dân Trần Thu Hà, hai người con của Nhà giáo Nhân dân Thái Thị Liên, cũng là hai người tài của nền âm nhạc nước nhà. Những người thầy ấy không chỉ truyền lại cho anh những kiến thức, kinh nghiệm nghề nghiệp mà hơn hết là tình cảm với piano?
- Nhà giáo Nhân dân Trần Thu Hà là người đóng dấu ấn rất quan trọng trong chặng đường phát triển âm nhạc của tôi. Cô là người hết sức ân cần, dành rất nhiều thời gian để lắng nghe, chia sẻ câu chuyện bên ngoài cây đàn. Mặc dù bận rộn nhiều công việc nhưng cô Hà luôn luôn bắt đầu một ngày làm việc từ rất sớm.
Thậm chí, có nhiều khi cô và trò cùng bắt đầu giờ học từ lúc 6h30 phút sáng, với tiếng đàn đầy nhiệt huyết. Về sau, tôi được học NSND Đặng Thái Sơn, cũng có rất nhiều kỷ niệm. Mặc dù là một nghệ sĩ nổi tiếng quốc tế, với lịch dạy, lịch biểu diễn dày đặc nhưng thầy vẫn luôn dành cho chúng tôi sự quan tâm. Tôi vẫn nhớ những buổi học khi nghệ sĩ Đặng Thái Sơn vừa trở về sau chuyến biểu diễn quốc tế dài ngày nhưng ông đã gọi tôi đến và làm việc ngay lập tức. Buổi học kết thúc, khi tôi nhìn đồng hồ thì đã 3 tiếng trôi qua. Nhớ lại quãng thời gian học tập ấy, tôi luôn cảm thấy biết ơn và may mắn vì trong cuộc đời của mình đã được gặp những người thầy như vậy.
- Được biết, anh đang tiến hành nghiên cứu và viết giáo trình giảng dạy piano cho bậc trung cấp, góp phần đổi mới và chuyên nghiệp hóa nội dung bài giảng cho học trò?
- Khoa Piano là một trong những khoa đầu tiên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Sau 70 năm ra đời, nơi đây là sự tích hợp, kế thừa truyền thống của các thế hệ nhà giáo ưu tú, góp phần đào tạo nhiều nghệ sĩ, giảng viên về âm nhạc.
Tuy vậy, so với nền âm nhạc cổ điển của thế giới, chúng tôi còn tương đối non trẻ. Song chúng tôi cũng được thừa hưởng những kiến thức của các thế hệ thầy cô giáo được cử đi đào tạo ở nước ngoài trước đây. Những kiến thức tinh hoa ấy chủ yếu được truyền khẩu, còn tài liệu được biên soạn và in ấn chưa nhiều.
Ban Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia cũng ý thức được việc phải tập hợp trí tuệ tập thể để biên soạn giáo trình giảng dạy. Những tác phẩm Việt Nam viết cho cây đàn piano là tinh hoa, tài năng, chất xám của nhiều thế hệ nhạc sĩ, đồng thời cũng là tâm hồn dân tộc. Những bản nhạc đó được sáng tác đều từ năm 1956 đến nay, nhưng do quy trình biên soạn, in ấn, công nghệ chép nhạc... nên có những bản nhạc đã bị thất lạc hoặc trong tình trạng sắp bị hư hỏng.
Thêm nữa, từ năm 1990 đến nay đã có một thế hệ nhạc sĩ mới cũng bắt đầu sáng tác, bổ sung thêm vào kho tàng của chương trình giảng dạy piano những tác phẩm có giá trị. Những văn bản của họ cũng đang lẻ tẻ, chưa thành tuyển tập. Đó là những công việc thú vị, thách thức nhưng cũng vô cùng cấp thiết đối với chúng tôi.
- Trân trọng cảm ơn anh!