Sách

Truyện, sách tranh cho người lớn: Mảnh đất màu mỡ chờ khai pháNhững bước đi đầu tiên

Vân Hạ 02/01/2024 11:27

Trong nhịp sống gấp gáp, con người có xu hướng xem nhiều hơn đọc, và truyện tranh, sách tranh là lựa chọn hợp lý, không chỉ với trẻ em mà với cả độc giả trưởng thành.

Bởi thế, đa dạng hóa đề tài, cách thể hiện, phục vụ nhiều đối tượng độc giả, đó là bước đi đầu tiên thúc đẩy một ngành truyện tranh trong tương lai, đóng góp trực tiếp cho xuất bản và nhiều lĩnh vực khác của công nghiệp văn hóa.

2_thu-ve-truyen-tranh-1-.jpg
Nhiều độc giả hào hứng thử sức vẽ truyện tranh tại buổi ra mắt cuốn sách “Cuốc xe tuổi trẻ”. Ảnh: Vân Hạ

Sự giao thoa về thể loại

Truyện tranh, sách tranh, tiểu thuyết hình ảnh, tiểu thuyết bằng tranh, truyện đồ họa..., đó là những cụm từ được nhắc đến khá nhiều trong những năm gần đây. Ngày càng xuất hiện nhiều đầu sách mới với hình ảnh hiện đại, màu sắc bắt mắt mà tên gọi thể loại của chúng tùy thuộc từng đơn vị xuất bản. Điểm chung của các thể loại này là cùng biểu hiện nội dung bằng cả ngôn ngữ và hình ảnh dạng tranh vẽ.

Khác với dòng sách có ảnh minh họa để làm rõ thêm cho phần lời thì ở các dòng truyện tranh, sách tranh, văn học và hội họa cùng song hành, thậm chí phần hình ảnh còn ở thế “áp đảo”. Trước đây, một số họa sĩ Việt Nam cho rằng có thể dễ dàng phân biệt truyện tranh comic-manga với các sách tranh, tiểu thuyết hình ảnh, truyện đồ họa, ở chỗ một trang truyện tranh có thể gồm nhiều khung tranh. Điều này có thể thấy rõ qua các truyện tranh manga Nhật Bản như "Doreamon", "Siêu quậy Teppi", "Thám tử lừng danh Conan"... hay truyện tranh comic của phương Tây như "Astérix", "Xì trum"... Một số truyện tranh Việt cũng đi theo xu hướng này, như "Thần đồng đất Việt", "Tý quậy", "Mèo Mốc"...

z5012032811493_dc5daf81c586.jpg
“Gia đình gãi ngứa” - bộ truyện tranh được yêu thích.

Tuy nhiên, gần đây, sự ra mắt của “Cuốc xe tuổi trẻ” - cuốn truyện tranh cho người lớn (graphic novel) đã khiến cách phân biệt này bị “lung lay”. Cuốn sách là sản phẩm của workshop truyện tranh, do Viện Pháp và Viện Goethe tại Việt Nam khởi xướng, với sự hỗ trợ của Franco-German Cultural Fund, Phái đoàn UNESCO tại Việt Nam và Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội. 12 họa sĩ trẻ đã được lựa chọn để tham gia vào hoạt động sáng tác truyện tranh dưới sự dẫn dắt của hai họa sĩ giàu kinh nghiệm Robert Deutsch và Nicolas Sauge đến từ Đức và Pháp. Vẫn là cách chia khung truyện manga-comic, nhưng mỗi câu chuyện trong “Cuốc xe tuổi trẻ” là một góc nhìn bằng tranh sinh động và giàu sáng tạo về một lát cắt đời thường (“Nhật ký tóc” của Dũng Trần, “Và quên đường về” của Linhrab), về một vấn đề xã hội, một màu sắc văn hóa (“Phòng bếp - Phòng khách” của Dương Hương Ly, “Hầu đồng” của Unoday Studio); về một góc khuất nội tâm và hay cảm xúc bất ngờ (“Bao tử” của Creaabbit, “Bụi” của Sang An, “Người lưu giữ” của Thanh San)...

Các họa sĩ tham gia workshop cho rằng, graphic novel thuộc thể loại truyện tranh văn học. Mỗi tác phẩm graphic novel là một câu chuyện hoàn chỉnh, thường gói gọn trong khuôn khổ sách chứ không xuất bản dài kỳ; nội dung truyện thường gắn với các chủ đề thời sự về văn hóa, lịch sử, kinh tế, xã hội, do đó thường dành cho độc giả trưởng thành. Graphic novel có thể được sáng tác theo kiểu chia khung như truyện tranh comic-manga, song cũng có thể kết hợp giữa văn học và hội họa làm nên tác phẩm được gọi tên thể loại là truyện đồ họa, tiểu thuyết đồ họa, tiểu thuyết bằng tranh. Hiểu một cách đơn giản, graphic novel để chỉ những quyển sách có cách trình bày theo kiểu truyện tranh nhưng lối kể chuyện và đề tài nội dung lại theo hướng tiểu thuyết. Trên thế giới, graphic novel đang là xu hướng sáng tác được ưa chuộng.

Tại Việt Nam, nhiều graphic novel “made in Vietnam” đã được cho ra mắt, như “Cô bé ganh tị” (Nguyên Hương - Phương Thảo), “Phía sau cánh cửa” (Ngọc Linh - Phạm Ngọc Tân), “Hạ về trên đồi cỏ lau hồng” (Vương Thùy Linh - Hoàng Phương Thúy), “Gửi em” (Lê Thư), “Về nơi có nhiều cánh đồng” (Phan), “Câu chuyện đại dương” (Quách Hồng Phúc), “Đường hoa” (Lâm Hoàng Trúc)...

2_long-than-tuong-1-.jpg
“Long Thần Tướng” - tiểu thuyết hình ảnh cho độc giả trưởng thành.

Truyện tranh không phải “đặc quyền” của trẻ em

Lâu nay, ở Việt Nam, nhiều người quan niệm truyện tranh chỉ dành cho trẻ con. Trong khi đó, ở nhiều quốc gia trên thế giới, truyện tranh là ngành “hái ra tiền”, tạo ra nhiều việc làm. Nhân vật và đề tài truyện tranh ở các quốc gia này hết sức phong phú: Truyện tranh gia đình đời thường, phiêu lưu hài hước, truyện tranh trinh thám, kinh dị, tâm lý, khoa học viễn tưởng..., thậm chí có cả “truyện tranh ngôn tình”.

Đối tượng phục vụ của truyện tranh không chỉ là trẻ em. Điều này có thể thấy ở các lễ hội truyện tranh trên thế giới, lứa tuổi tham gia chủ yếu từ 20 - 35 tuổi. Nhiều bộ phim được chuyển thể từ truyện tranh đã trở thành phim "bom tấn", đem lại nguồn thu “khủng” cho đơn vị sản xuất. Ngay tại Việt Nam, trong nhiều buổi ra mắt truyện tranh thiếu nhi, độc giả quây kín hội trường mà đa số trong đó là tuổi trưởng thành. Họ không ngại nói về niềm đam mê truyện tranh và tiếp tục truyền lửa đam mê ấy cho con em mình.

Một cộng đồng đọc truyện tranh giàu tiềm năng như thế là động lực cho giới sáng tác Việt Nam. Mới đây, “Bí ẩn Ozon”, bộ truyện tranh của các tác giả thuộc Taqua group đã được NXB Kim Đồng cho ra mắt độc giả. Kiến trúc sư Tuấn Anh, đại diện nhóm tác giả, cho biết: “Bí ẩn Ozon” mang đến một thế giới phép thuật rộng lớn ở một hành tinh đa chủng tộc. Đằng sau vẻ mộng mơ đó, bộ truyện cũng hé mở những mảng tối trong sâu thẳm mỗi con người. Độc giả từ 7 đến 77 tuổi đều có thể thưởng thức những điều thú vị từ “Bí ẩn Ozon”.

Gần đây, một số bộ truyện tranh nổi tiếng của Việt Nam xác định rõ đối tượng độc giả, như “Long Thần Tướng” của Comicola Studio dán nhãn 15+, “Gửi em” của Lê Thư hướng đến độ tuổi 18, “Mùa hè bất tận” của Lâm Hoàng Trúc đề rõ “Truyện dành cho tuổi trưởng thành”...

Mảnh đất màu mỡ

Trong nhiều buổi giao lưu về truyện tranh, có nhiều câu hỏi được độc giả trẻ gửi đến họa sĩ, nhà sản xuất, nhà xuất bản. Các câu hỏi phổ biến là tác giả học vẽ truyện tranh ở đâu, thu nhập của tác giả truyện tranh có đủ sống, làm thế nào để truyện tranh được xuất bản?... Điều đó cho thấy sự quan tâm của giới trẻ với truyện tranh cũng như công việc sáng tác tranh.

Sự thực thì trong ngành truyện tranh Việt Nam, một ngành công nghiệp hình ảnh còn quá thiếu hệ sinh thái cho nó phát triển, chính các tác giả được coi là thành công cũng vẫn đang trong những bước vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm. Chẳng hạn, các bộ truyện tranh như “Long Thần Tướng”, “Bad Luck”, “Nhóm máu O”, “Project Icon”... của Comicola được xuất bản theo dự án “gây quỹ cộng đồng”. “Bí ẩn Ozon” của Taqua group, sau lần đầu tiên ra mắt vào năm 2022 đã lặng lẽ biến mất, rồi tái sinh trong phiên bản mới cả về nội dung và hình thức khi kết hợp với NXB Kim Đồng.

Theo họa sĩ Vũ Đình Lân, để tạo ra một bộ truyện tranh dài thì đòi hỏi niềm đam mê và tinh thần cống hiến. Còn họa sĩ Bách Lê thì khẳng định: “Nếu thích vẽ, nếu có ước mơ và ấp ủ mơ ước viết truyện tranh, bạn hãy theo đuổi nó. Đừng từ bỏ. Chúng tôi từng thất bại rất nhiều lần rồi mới có ngày hôm nay, khi tôi đã hơn 30 tuổi”.

2_cay-bach-xu.jpg
“Cây bách xù” - phóng tác từ truyện cổ Grimm kinh dị.

Mặc dù thị trường truyện tranh hiện rất sôi động nhưng truyện tranh mang yếu tố Việt hoặc do người Việt sáng tác vẫn rất ít ỏi. Đặc biệt, dòng truyện tranh, sách tranh cho người lớn vẫn còn là mảnh đất màu mỡ chờ khai phá. Theo họa sĩ Nguyễn Thị Lệ, hiện có rất nhiều cơ hội chờ đón các bạn trẻ đam mê truyện tranh.

Là ngành nghề khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, nhưng tại Việt Nam, hiện chưa có cơ sở đào tạo chuyên sâu về truyện tranh. Các họa sĩ truyện tranh đa phần đều vì đam mê mà từ địa hạt của kiến trúc sư, họa sĩ thiết kế minh họa “rẽ sang”... Người sáng tác truyện tranh, ngoài được đào tạo nền tảng hội họa thì còn đòi hỏi kiến thức về xây dựng cốt truyện, tìm kiếm đề tài, thậm chí cả các kỹ năng mềm về truyền thông để tác phẩm của mình tiếp cận được với số đông độc giả, qua đó vơi bớt nỗi lo "cơm áo gạo tiền".

Các bạn trẻ có thể bắt đầu nuôi dưỡng đam mê học hỏi của mình thông qua các diễn đàn, hội nhóm về truyện tranh trên mạng xã hội. Hoặc cũng có thể chọn lối chuyển thể các tác phẩm văn học đã xuất bản, như cách mà tác giả Phan Hữu Khánh đã phóng tác truyện cổ Grimm thành tiểu thuyết đồ họa “Cây bách xù”. Về phía xuất bản, bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Tổng Biên tập NXB Kim Đồng cho biết: “Chúng tôi luôn ủng hộ và sẵn sàng đầu tư cho những ý tưởng sáng tạo của các tác giả trong nước, trong đó có mảng truyện tranh Việt. Để các tác phẩm trong nước nói chung và truyện tranh Việt nói riêng phát triển, ngoài nỗ lực của các tác giả và nhà xuất bản thì sự ủng hộ của bạn đọc đóng vai trò vô cùng quan trọng”.