Sôi nổi các hoạt động đón năm mới ở ngoại thành Hà Nội
Hòa nhịp cùng Thủ đô và đất nước, nhân dân ở ngoại thành hân hoan đón chào năm mới 2024 với những bước chuyển mình mạnh mẽ. Sắc xuân đang gõ cửa, tô đẹp thêm cho mảnh đất và con người ở các vùng quê ngày càng đổi mới, hy vọng một năm no ấm và hạnh phúc đến với mọi nhà.
Rộn ràng ở các điểm du lịch nông thôn
Tại Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) trong ngày đầu tiên của năm mới có hàng nghìn khách tham quan, trải nghiệm.
Theo ông Nguyễn Đăng Thạo, Trưởng ban quản lý Làng cổ Đường Lâm, dịp Tết Dương lịch, đơn vị tổ chức triển lãm ảnh về Đường Lâm tại đình Mông Phụ, triển lãm trang phục tại không gian Trà Vân, trình diễn ẩm thực tại Bếp Làng, trải nghiệm sơn mài tại không gian của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát, làm gốm tại không gian nghề làng, triển lãm kiến trúc tại Đoài Community, chợ đêm du lịch tại đình làng tối thứ bảy...
Ngoài ra, các hoạt động tham quan trải nghiệm vẫn bình thường, như làm kẹo, làm tương, các trò chơi dân gian..., gợi nhớ về thời xưa cũ để thu hút du khách.
Chào đón năm mới, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (thị xã Sơn Tây) khai mạc chương trình “Chợ phiên - Chào năm mới 2024”.
Tại đây, khách du lịch được đắm chìm trong không gian chợ phiên vùng cao, trong tiếng khèn dìu dặt, trong sắc màu trang phục của đồng bào các dân tộc… Hơn 100 đồng bào thuộc 16 dân tộc (Nùng, Tày, Dao, H’Mông, Mường, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer…) giới thiệu nhiều nét văn hóa, ẩm thực, phong tục tập quán đặc sắc khác.
Chị Nguyễn Thị Hồng Thắm (quận Hà Đông) cho biết: “Dịp Tết Dương lịch được nghỉ ngắn ngày, nên tôi cùng gia đình đến Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ở đây không gian rất đẹp và chúng tôi được trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa của các dân tộc. Qua buổi vui chơi, giúp cho các con hiểu hơn về đời sống sinh hoạt của các dân tộc Việt Nam”.
Tương tự, nằm trong các hoạt động chào đón năm mới 2024, huyện Mê Linh đã tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đồi 79 mùa Xuân và dâng hương tại Di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Hai Bà Trưng.
Cũng trong dịp Tết Dương lịch, huyện Mê Linh tổ chức chương trình văn hóa, nghệ thuật chào năm mới 2024. Có 30 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ trên địa bàn huyện với gần 500 diễn viên không chuyên đã mang đến cho khán giả không khí rộn ràng, phấn khởi với nhiều cung bậc cảm xúc, tiết mục đặc sắc, phong phú như ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, dân tộc…
Chính sự sáng tạo, rộn ràng mà chương trình đem lại đã thu hút nhiều khán giả ở nhiều độ tuổi. Chị Nguyễn Thanh Tuyền (xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh) đến dự chương trình chia sẻ: "Đến đây được hòa mình trong những giai điệu sôi động, vui tươi cũng là trải nghiệm tuyệt vời để chào đón năm mới 2024".
Còn theo ông Trần Mạnh Thắng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Mê Linh, chương trình giao lưu các câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật - Chào năm mới 2024 là một trong những hoạt động nhằm cụ thể hóa nội dung của Đề án phát triển văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao huyện Mê Linh giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Đây cũng là dịp để các câu lạc bộ được thành lập sau khi đề án triển khai (từ năm 2021) có dịp gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển mạnh mẽ phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng.
Các điểm du lịch khác, như: Làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm), Vườn Quốc gia Ba Vì (huyện Ba Vì), khu du lịch Tuần Châu - Quốc Oai (huyện Quốc Oai), chùa Hương (huyện Mỹ Đức)… cũng đón lượng khách lớn đến tham quan và trải nghiệm.
Còn ở khía cạnh khác, khởi đầu năm mới tại ngoại thành là các cuộc đoàn viên, sum họp của nhiều gia đình. Gia đình chị Phạm Thị Thảo (Mỹ Đình, Hà Nội) đã về quê sum họp thay vì đi du lịch. Chị Thảo chia sẻ, cuối năm là dịp các trang trại cây ăn quả của Hà Nội vào vụ thu hoạch. Vườn cây, ao cá, cuộc sống mới ở ngoại thành thay đổi nhiều, hình thành nhiều miền quê đáng sống.
Để nhà nhà đều có Tết
Ngày đầu năm mới 2024, trên nhiều tuyến đường thuộc các xã, thị trấn: Đại Nghĩa, Phùng Xá, Hồng Sơn, Hương Sơn, An Mỹ, Lê Thanh, Phù Lưu Tế, Hợp Thanh… (huyện Mỹ Đức) rợp cờ đỏ sao vàng, người tham gia giao thông đông hơn thường ngày.
Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, người dân nơi đây bày tỏ niềm tự hào quê hương đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập và đời sống ngày càng nâng cao.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mỹ Đức Đỗ Trung Hai cho biết, để nhà nhà đều có Tết, huyện đã bố trí kinh phí chi thăm, tặng quà các đối tượng chính sách. Từ nay đến ngày 25-1-2024, huyện sẽ hoàn thành công tác thăm, tặng 3.841 suất quà của Chủ tịch nước, 15.398 suất quà của thành phố.
Ngoài ra, huyện và các xã, thị trấn dự kiến thăm tặng 220 suất quà tới các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công tiêu biểu, người cao tuổi, hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Còn theo ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Thạch Thất, các hoạt động dành cho Tết Giáp Thìn 2024 đang được thực hiện ở tất cả các cấp công đoàn huyện. Trong đó, công đoàn đặc biệt quan tâm hỗ trợ những đoàn viên, người lao động và thân nhân đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, ốm đau nằm viện dài hạn; bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; gặp khó khăn do suy giảm kinh tế...
Theo kế hoạch, hơn 900 đoàn viên, người lao động Thạch Thất sẽ được hỗ trợ và tặng quà dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Bên cạnh đó, dự kiến công đoàn còn hỗ trợ vé tàu xe cho 150 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn về quê ăn Tết, mỗi suất từ 200.000 đến 500.000 đồng, góp phần tạo động lực, mang Tết đến với mọi nhà.