Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng sách giáo khoa
Năm học 2024-2025 là năm cuối cùng ba khối lớp 5, 9 và 12 sẽ dạy, học theo sách giáo khoa mới, biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Hiện nay, học sinh của ba khối lớp này cũng là những khối lớp cuối cùng học theo Chương trình giáo dục 2006. Chín khối lớp còn lại gồm 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10 và 11 đã thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo tăng cường tham mưu chính quyền địa phương tập trung, kiên trì tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã xác định 4 nhóm giải pháp để thực hiện tốt việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó có việc nâng cao chất lượng sách giáo khoa.
Thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt danh mục sách giáo khoa mới của lớp 5 và lớp 9, làm căn cứ để các nhà trường nghiên cứu, lựa chọn, quyết định sách giáo khoa phù hợp để giảng dạy từ năm học 2024-2025.
Việc trao lại quyền lựa chọn, quyết định sách giáo khoa cho các nhà trường từ năm học 2024-2025 được xác định là một trong những giải pháp quan trọng để nâng chất lượng dạy, học sách giáo khoa mới. Năm học trước, quyền quyết định sách giáo khoa để giảng dạy là do hội đồng cấp tỉnh phê duyệt.
Ghi nhận thực tế tại các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua cho thấy, ý kiến của các giáo viên và phụ huynh học sinh đều đồng tình, ủng hộ với sự điều chỉnh này. Dù các sách giáo khoa của các nhà xuất bản được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt đều được biên soạn đáp ứng theo mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhưng cách tiếp cận ở mỗi cuốn lại có sự khác biệt. Giáo viên là người hiểu rõ nhất điều kiện thực tế về cơ sở vật chất, đối tượng học sinh của đơn vị mình, vì thế sẽ nghiên cứu, lựa chọn và đưa ra quyết định về việc chọn cuốn sách giáo khoa nào phù hợp nhất.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ tiếp tục tăng cường các giải pháp trong việc chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo, các nhà xuất bản tổ chức cung ứng, phát hành sách giáo khoa kịp thời, đầy đủ cho học sinh trước khai giảng năm học 2024-2025.
Năm 2023 đánh dấu một nửa chặng đường triển khai dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo và ghi nhận từ thực tế triển khai ở các địa phương, trong đó có thành phố Hà Nội cho thấy, việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bước đầu đã tạo được những chuyển biến tích cực, làm thay đổi chuyển từ chương trình giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực của học sinh, thay đổi phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bước đầu chứng tỏ sự phù hợp với điều kiện thực tiễn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của nhà trường và khả năng tiếp thu của học sinh. Tuy nhiên, thực tế triển khai Chương trình giáo dục phổ thông còn bộc lộ không ít khó khăn, hạn chế, trong đó có việc sách giáo khoa vẫn còn “sạn”, trang thiết bị dạy học theo yêu cầu đổi mới giáo dục còn hạn chế…