Thế giới

Kinh tế thế giới năm 2024: Cần ứng phó linh hoạt để tránh kịch bản xấu

Hoàng Linh 01/01/2024 - 06:30

Năm 2023, đại dịch Covid-19 đã lùi vào dĩ vãng, nhưng xung đột Ukraine - Nga vẫn dai dẳng và bạo lực tại Dải Gaza bùng nổ đặt thế giới vào quỹ đạo nhiều thách thức khó lường trong năm 2024.

Thực tế này đòi hỏi các nền kinh tế cần chủ động có những phương án ứng phó phù hợp, linh hoạt để tránh các kịch bản xấu.

kinh-te-toan-cau.jpg
Phố Wall - biểu tượng cho sức mạnh tài chính tiền tệ của Hoa Kỳ.

Những dự báo về xu hướng tái cân bằng địa chính trị toàn cầu tiếp diễn, trong khi những điểm nóng như xung đột tại Ukraine chưa có hồi kết, nguy cơ về khả năng bạo lực lan rộng từ Dải Gaza…, kết hợp với trào lưu chuyển đổi số, ứng phó suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu…, cho thấy nhân loại đang đứng trước lộ trình không mấy bằng phẳng trong năm 2024. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đều đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 sẽ giảm nhẹ so với năm 2023.

Nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas cho rằng, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục đà phục hồi sau đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, cuộc chiến Nga - Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng tiếp tục tác động tới sản xuất, kinh doanh, đồng nghĩa với triển vọng trung hạn sẽ không mang tính bứt phá. Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới được dự báo giảm xuống mức 2,7% vào năm 2024, từ mức 2,9% trong năm nay, trước khi tăng lên mức 3% vào năm 2025. Nguyên nhân tăng trưởng chậm lại là bởi các điều kiện tài chính được thắt chặt hơn, tăng trưởng thương mại yếu, niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng thấp…

Lạm phát toàn cầu được dự báo sẽ trở lại mức an toàn “một cách tự nhiên”. IMF đánh giá, lạm phát trong năm 2024 giảm, dự kiến xuống mức 5,8%, vẫn chủ yếu nhờ giá năng lượng và giá lương thực giảm. Lạm phát cơ bản, không bao gồm lương thực và năng lượng, sẽ giảm xuống 5,3% vào năm 2024, do thị trường lao động thắt chặt và lạm phát dịch vụ cao hơn dự kiến. Về tỷ lệ thất nghiệp, OECD cho rằng, chỉ số này sẽ vẫn ở mức thấp, với con số dự kiến là 5,1% cho cả năm 2024 và 2025. Tỷ lệ này được dự báo sẽ tăng ở Mỹ, Vương quốc Anh, Canada và Australia. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp ở Khu vực đồng euro (eurozone) và Nhật Bản sẽ không thay đổi nhiều, so với mức (thấp) hiện tại là 6,5%.

Trái ngược với sự lạc quan của IMF và OECD, Fitch Ratings (một tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế) lại tỏ ra bi quan khi nhận định tăng trưởng thế giới chỉ ở mức 2,1% vào năm 2024 do tác động toàn diện của việc thắt chặt chính sách tiền tệ, sự sụt giảm của thị trường bất động sản Trung Quốc và nền kinh tế Khu vực đồng euro trì trệ. Dù mỗi quan điểm đều có cơ sở, nhưng thực tế sự trái ngược trong các nhận định chỉ ra rằng, năm 2024 là giai đoạn hoàn toàn không dễ đoán định với nhiều yếu tố tiêu cực và tích cực đan xen.

Trên cơ sở đó, các ý kiến phân tích cho rằng, dù những dự báo có xu hướng chỉ ra kịch bản “hạ cánh mềm”, nhưng không thể xem thường rủi ro trước giá cả hàng hóa biến động, những thay đổi về địa chính trị, cũng như những diễn biến khó lường ở các nền kinh tế lớn… Trong đó, tình hình các điểm nóng xung đột được cho là sẽ có tác động mang tính quyết định tới triển vọng kinh tế thế giới năm 2024. Một ví dụ là, nếu xung đột lan rộng ở Trung Đông, kỳ vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu hiện nay sẽ bị nhấn chìm, bởi nó sẽ tạo ra sự gián đoạn đáng kể đối với thị trường năng lượng và các tuyến thương mại chính. Đây là thực tế đang diễn ra tại Biển Đỏ.

Nhìn chung, 12 tháng tới sẽ là quãng thời gian nhiều thách thức, là một tương lai thuận lợi xen lẫn khó khăn. Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, các nước cần duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt hiện tại cho đến khi có những dấu hiệu rõ ràng rằng lạm phát được kiểm soát, nhường chỗ cho một số đợt tăng lãi suất bổ sung nếu cần. Một số quan điểm cũng nhấn mạnh, để tránh những cú sốc, các kế hoạch chi tiêu và thuế rõ ràng là rất quan trọng, đồng thời các quốc gia cần tăng cường đầu tư, chú trọng giảm phát thải các bon. OECD lưu ý thêm, nhiều chính phủ sẽ phải đối mặt với làn sóng chi phí gia tăng để tái cấp vốn cho các khoản nợ ngày càng tăng, trong khi phải cân nhắc chi tiêu bổ sung cho dân số già, biến đổi khí hậu, quốc phòng...