Khởi sắc du lịch dịp đầu năm mới
Chào năm mới 2024, du lịch Việt Nam tiếp tục khởi sắc khi nhận tin vui về hoạt động đón khách tại nhiều điểm đến. Các tỉnh, thành phố đều có nhiều chương trình vui chơi hấp dẫn để tăng trải nghiệm cho du khách trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2024 (từ ngày 30-12-2023 đến 1-1-2024).
Hà Nội - Điểm đến hút khách
Là trung tâm du lịch lớn của cả nước, Thủ đô Hà Nội thu hút nhiều người dân và du khách trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch năm nay. Với thời gian nghỉ ngắn ngày, nhiều gia đình đã lựa chọn ở lại Hà Nội để trải nghiệm các hoạt động vui chơi và nghỉ dưỡng. Gia đình chị Nguyễn Anh Thư (quận Cầu Giấy, quê ở Thanh Hóa) năm nay không về quê mà đưa bố mẹ lên Hà Nội để vui chơi đón năm mới. “Thời tiết năm nay nắng ấm, chúng tôi đưa bố mẹ đi chơi phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, thưởng thức ẩm thực ở phố cổ”, chị Anh Thư chia sẻ.
Còn gia đình anh Trần Tuấn Đạt (quận Thanh Xuân) lại lựa chọn một khu nghỉ dưỡng ở Ba Vì để cùng gia đình nghỉ ngơi, vui đón năm mới. “Thời gian nghỉ ngắn ngày nên chúng tôi quyết định nghỉ dưỡng tại Hà Nội thay vì du lịch xa. Hiện nay, Hà Nội có rất nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn như tour đêm, du lịch trải nghiệm văn hóa và có nhiều khu nghỉ dưỡng chất lượng có thể đáp ứng nhu cầu của các thành viên trong gia đình”, anh Đạt bày tỏ.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch năm nay, nhiều điểm đến của Hà Nội thu hút người dân và du khách như: Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, Công viên Thủ Lệ, làng cổ Đường Lâm, lễ hội "Miền hoa" tại Công viên Thống Nhất, Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam... Nhiều cơ sở lưu trú ở ngoại thành Hà Nội đã kín khách như: Làng Mít, Glory (Sơn Tây); Tản Đà, Medi Thiên Sơn, Ao Vua (Ba Vì)... Quản lý vận hành khu resort Melia Ba Vì Mountain Retreat Hoàng Văn Phương cho biết, lượng khách đặt phòng tại khu nghỉ dưỡng này đã kín từ trước kỳ nghỉ lễ.
Du lịch đầu năm mới tại Hà Nội hứa hẹn mang đến sự khởi sắc cho du lịch Thủ đô trong năm 2024. Chủ tịch Hội lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng đánh giá, những tín hiệu vui của du lịch Thủ đô đầu năm mới sẽ tạo “đòn bẩy” để các đơn vị, địa phương tiếp tục xây dựng sản phẩm mới, chất lượng, có tính cạnh tranh và phù hợp với nhu cầu của du khách hơn. Hiện nay, Sở Du lịch Hà Nội đang phối hợp với các địa phương xây dựng và phát triển nhiều tuyến du lịch ngoại thành như: Tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên và tuyến trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức. “Những sản phẩm du lịch ngoại thành gắn với văn hoá và làng nghề sẽ là điểm nhấn góp phần tăng sức hấp dẫn của du lịch Hà Nội trong năm 2024”, ông Phùng Quang Thắng nhận định.
Du lịch gần lên ngôi
Chào năm mới 2024, nhiều tỉnh, thành phố tổ chức các sự kiện để kích cầu du lịch. Tỉnh Điện Biên mở cửa miễn phí Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong ngày đầu năm mới 2024. Huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) tổ chức lễ hội hoa tớ dày gắn với tôn vinh khèn Mông vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian. Tỉnh Hà Giang tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao với kỳ vọng đón 10 nghìn khách trong kỳ nghỉ Tết. Thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) tổ chức chuỗi sự kiện Lễ hội mùa đông “Sa Pa - Thiên đường tuyết rơi năm 2023 - Chào xuân Giáp Thìn 2024” diễn ra từ ngày 20-12-2023 đến 1-1-2024 thu hút khá đông khách du lịch, nhiều cơ sở lưu trú thông báo kín chỗ từ nhiều ngày trước Tết.
Theo các đơn vị lữ hành, du lịch Tết Dương lịch 2023 có lượng khách tăng hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng lượng khách phân bổ đồng đều nên không có sự quá tải. Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Flamingo Redtour Nguyễn Công Hoan đánh giá, do kỳ nghỉ ngắn ngày nên xu hướng khách lựa chọn những tour gần, di chuyển ngắn. Với tour nội địa, khách có xu hướng nghỉ tại chỗ hoặc di chuyển gần Hà Nội (với khách Hà Nội). Trong đó, tour thu hút khách vẫn là hành trình đến Đông - Tây Bắc, tiêu biểu là: Sa Pa (Lào Cai), Đồng Văn (Hà Giang), Ba Bể (Bắc Kạn), Bản Giốc (Cao Bằng), Lạng Sơn, Mộc Châu (Sơn La), Tà Xùa (Sơn La)… Với quốc tế, du lịch vùng biên ở các cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng hay tour đi Lào, Campuchia được khách lựa chọn nhiều do tiện di chuyển.
Tín hiệu vui của du lịch Việt trong ngày đầu năm mới 2024 còn là sự khởi sắc từ du lịch đường biển. Ngay trong dịp nghỉ Tết này, Việt Nam đón 5 chuyến tàu biển quốc tế “xông đất” tại các cảng biển trên cả nước, đưa hàng nghìn du khách trải nghiệm hành trình xuyên Việt.
Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, ngành Du lịch đang đặt ra nhiều mục tiêu cao trong năm 2024, đó là đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa. Với những tín hiệu khởi sắc từ đầu năm 2024, du lịch Việt Nam kỳ vọng có thể nhanh chóng khôi phục được thị trường bằng thời điểm trước dịch Covid-19.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, thành phố đặt mục tiêu số lượng khách du lịch đến Hà Nội năm 2024 đạt khoảng 26,5 triệu lượt khách, tăng 10,4% so với ước năm 2023. Trong đó, có 5 triệu lượt khách quốc tế (3,2 triệu khách quốc tế có lưu trú), tăng 25% so với ước thực hiện năm 2023 và 21,5 triệu lượt khách nội địa, tăng 7,5% so với ước thực hiện năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 99,77 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8% so với ước thực hiện năm 2023. Công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt 60%, tăng 2 điểm phần trăm so với năm 2023.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, để đạt mục tiêu đề ra, Hà Nội đang quyết liệt xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm mới gắn với di sản - di tích, làng nghề. Ngoài ra, Hà Nội chủ trương phát triển các sản phẩm du lịch là thế mạnh như: Du lịch ẩm thực, du lịch MICE, du lịch chăm sóc sức khỏe…