Thế giới

Kinh tế thế giới năm 2023: Vẫn có những gam màu sáng trong bức tranh ảm đạm

Thùy Dương 31/12/2023 - 15:51

Thế giới đã trải qua năm 2023 đầy biến động và thách thức từ địa chính trị đến kinh tế. Đặc biệt, kinh tế thế giới trải qua năm nhiều sóng gió, từ sụt giảm tăng trưởng, nợ xấu gia tăng đến kim ngạch thương mại - đầu tư ảm đạm…

lam-phat.jpg
Theo báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới của IMF, lạm phát cơ bản đang trên đà giảm từ mức 9,2% năm 2022 xuống còn 5,9% năm 2023.

Xung đột Nga - Ukraine tiếp tục gây ra rủi ro địa chính trị trong năm 2023. Với việc dường như không bên nào có khả năng giành được chiến thắng thuyết phục trong thời gian tới và ngừng bắn có vẻ khó xảy ra.

Trong khi châu Âu đang rối ren vì cuộc chiến Nga - Ukraine thì ngày 7-10, phong trào Hamas kiểm soát Dải Gaza bất ngờ tấn công Israel. Với quyết tâm xóa sổ Hamas, Israel đã tiến hành các cuộc tấn công mạnh mẽ vào Dải Gaza. Xung đột kéo dài khiến vùng đất này phải hứng chịu những thảm họa nhân đạo tàn khốc, hàng chục nghìn người thương vong, hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa, hàng loạt cơ sở hạ tầng bị phá hủy nghiêm trọng...

Khép lại năm 2023, người dân Gaza bước sang năm mới với đầy âu lo, bất trắc. Triển vọng về một giải pháp hòa bình mờ mịt khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định, một trong các điều kiện tiên quyết để đình chiến là Hamas phải bị tiêu diệt.

Không chỉ gây ra những cuộc khủng hoảng nhân đạo, các cuộc xung đột còn làm mất ổn định thị trường lương thực và năng lượng, cùng với những hệ lụy từ đại dịch Covid-19 đã đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái lớn nhất kể từ cuộc suy thoái giai đoạn 2007-2008.

Việc Nga và Ukraine không thể tìm được tiếng nói chung đã khiến sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, đổ vỡ vào tháng 7-2023, tác động mạnh đến nguồn cung lương thực và nỗ lực ngăn chặn nạn đói ở nhiều nơi trên thế giới. Nhiều nước phải oằn mình trước áp lực chống lạm phát và tiến trình phục hồi kinh tế luôn gặp trở ngại.

Gánh nặng nợ công, việc nhiều nước thắt chặt chính sách tiền tệ chưa từng thấy đã tạo thêm lực cản và làm chậm tiến trình phục hồi kinh tế. Hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa trở về mức trước đại dịch Covid-19, đặc biệt là ở những thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. Đồng thời, có sự khác biệt và phân mảnh ngày càng lớn giữa các khu vực. Nhiều nước giảm hỗ trợ tài chính trong bối cảnh nợ công tăng cao và bất ổn địa chính trị trên thế giới.

Báo cáo mới nhất của Tổ chức Xếp hạng tín dụng uy tín Fitch Ratings dự báo, tăng trưởng GDP chung của thế giới sẽ đạt từ 2,5%-3%, thấp hơn mức dự báo 3,3%-3,5% của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Trong năm 2023, kinh tế thế giới cũng chật vật với cuộc chiến chống lạm phát. Các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng đã trải qua đợt tăng giá mạnh, nhất là khi nguồn nhập khẩu dầu khí từ Nga đứt gãy.

Theo IMF, việc giá năng lượng cao và nguồn cung giảm là nguyên nhân đẩy lạm phát lõi tăng lên ở nhiều nước. Năng lượng và biến đổi khí hậu tiếp tục là những vấn đề phân cực về mặt chính trị, đặc biệt là việc thiếu những đột phá trong quá trình ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, cú sốc giá năng lượng từ cuộc xung đột Ukraine - Nga đã và sẽ thúc đẩy các nỗ lực khử các bon, phát triển năng lượng tái tạo tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, bất chấp những căng thẳng từ cuộc xung đột Israel - Hamas, năm 2023, nền kinh tế thế giới giảm tốc độ tăng trưởng ở mức có thể kiểm soát được. Đặc biệt, lạm phát toàn cầu đã giảm và tỷ lệ thất nghiệp không tăng mạnh.

Theo báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới của IMF, lạm phát cơ bản đang trên đà giảm từ mức 9,2% năm 2022 xuống còn 5,9% năm nay và xu thế này sẽ tiếp tục xuống còn khoảng 4,8% năm 2024. Lạm phát lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng vốn đầy biến động, cũng sẽ giảm xuống 4,5%. Tỷ lệ thất nghiệp tại phần lớn các nền kinh tế hàng đầu đều ở mức thấp hơn khoảng 0,5 điểm phần trăm so với mức trước đại dịch Covid-19.

Riêng tại châu Á, tăng trưởng GDP dù chậm nhưng vững chắc, thị trường lao động khởi sắc, chi tiêu toàn cầu bắt đầu tăng sau giai đoạn trì trệ hậu đại dịch Covid-19. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), kinh tế khu vực châu Á đã cho thấy nhiều tín hiệu tích cực hơn và tăng trưởng của khu vực này năm nay dự kiến đạt mức 4,9% (tăng nhẹ so mức dự báo 4,7% hồi tháng 9-2023), chủ yếu nhờ sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc.

Dù còn nhiều thách thức nhưng đây là những điểm sáng trong bức tranh chủ đạo của kinh tế thế giới năm 2023 và là động lực để các nhà hoạch định chính sách đặt niềm tin vào một cuộc “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế.