Kinh tế

Tiếp đà cải cách vì doanh nghiệp

Hồng Sơn 31/12/2023 - 06:13

Năm 2023 qua đi để lại nhiều dấu ấn, cũng như cả sự trăn trở về bức tranh doanh nghiệp. Tiếp nối kết quả đạt được, năm 2024, Chính phủ sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh theo hướng thực chất, không có điểm dừng và vì doanh nghiệp.

Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Minh Thảo xung quanh vấn đề này.

kinh-te-1.jpg
Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) Nguyễn Minh Thảo.

Doanh nghiệp gặp khó và nỗ lực của Chính phủ

- Năm 2023 sắp qua, cộng đồng doanh nghiệp đã có một năm nỗ lực vượt khó, song vẫn đối diện với nhiều khó khăn ở phía trước. Bà có nghĩ như vậy?

- Những khó khăn, bất lợi của tình hình thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động đầu tư, sản xuất và xuất khẩu của nước ta. Vì vậy, năm 2023, cộng đồng doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn. Cả năm 2023 có 217,7 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 4,5% so với năm 2022, nhưng cũng có tới 172,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 20,5% so với năm trước. Bình quân một tháng có 18,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, trở lại hoạt động và có 14,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong khi đó, giai đoạn 2018-2022, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại thị trường trung bình gấp hơn 1,6 lần so với số doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Đáng chú ý là từ năm 2020 đến nay, tỷ lệ doanh nghiệp có lãi giảm và tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ gia tăng, thể hiện mức độ khó khăn của doanh nghiệp ngày càng trầm trọng.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải đối mặt với những bất cập nội tại, khiến chi phí kinh doanh cao hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Năng lực cạnh tranh về hạ tầng (từ hạ tầng cứng đến các dịch vụ tài chính, logistics,...) còn thấp, cùng với chi phí vốn cao làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Trong khi đó, thời gian gần đây, cải cách thể chế và môi trường kinh doanh có xu hướng chậm lại. Ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh tuy giảm về số lượng nhưng nội hàm mở rộng, bao trùm và phức tạp hơn. Chuyển đổi số trong cung cấp dịch vụ công và cải cách thủ tục hành chính còn mang tính hình thức. Các thực tế trên có thể làm xói mòn niềm tin, dẫn tới suy giảm động lực kinh doanh của doanh nghiệp.

- Trong bối cảnh đó, bà nhận xét thế nào về tình hình, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh?

- Khó khăn nội tại trong nước chính là bất cập, rào cản về chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh. Trước thực tế trên, Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều quyết sách nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn cho doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thương mại và tăng trưởng. Ở mức độ nhất định, doanh nghiệp, người dân cảm nhận được nỗ lực đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ. Trong đó, nhóm giải pháp tài khóa đã có tác động và hiệu quả thiết thực, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Đơn cử như ngày 14-4-2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP về việc gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023. Ngày 21-6-2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 36/2023/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Tiếp đó, ngày 28-6-2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2023/NĐ-CP giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước trong 6 tháng cuối năm 2023.

Đồng thời, theo đề xuất của Chính phủ, Quốc hội đã quyết nghị giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng cuối năm đối với các nhóm hàng, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng 10%. Ngày 3-10-2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 25/2023/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất của năm 2023. Theo đó, mức giảm tiền thuê đất là 30% tiền thuê đất phải nộp (phát sinh thu) của năm 2023.

Theo tính toán, quy mô các gói chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất ban hành năm 2023 nêu trên khoảng 200 nghìn tỷ đồng.

- Còn với chính sách tiền tệ, lãi suất thì sao, thưa bà?

- Trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất (lãi suất điều hành, trần lãi suất tiền gửi bằng Việt Nam đồng kỳ hạn dưới 6 tháng và trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng Việt Nam đồng đối với một số ngành, lĩnh vực) với mức giảm 0,5-2%/năm nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đến hết tháng 9-2023, mặt bằng lãi suất cho vay trung bình đã giảm khoảng 1-1,5% so với năm 2022.

4 ngân hàng thương mại lớn đã triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng để cho vay nhà ở xã hội với lãi suất thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất thị trường và gói tín dụng 15 nghìn tỷ đồng cho vay đối với lĩnh vực lâm, thủy sản.

kinh-te-2.jpg
Đại diện doanh nghiệp phát biểu tại hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2023 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức. Ảnh: Thùy Linh

Năm 2024 - Chủ động vượt khó

- Vậy bà nhận định thế nào về tình hình doanh nghiệp trong thời gian tới?

- Sang năm 2024, nhiều tổ chức quốc tế dự báo kinh tế thế giới có sự phục hồi. Đây là điểm thuận lợi và là cơ hội thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các chỉ số kinh tế vĩ mô ổn định tạo nền tảng tốt cho sự phát triển doanh nghiệp.

Tuy vậy, khó khăn, thách thức vẫn còn hiện hữu. Sau 2 năm dịch Covid-19, tiếp đó là bất ổn từ thị trường bên ngoài và những vấn đề nội tại khiến “sức khỏe” của doanh nghiệp bị bào mòn đáng kể. Vì thế, bên cạnh những trợ lực từ các gói chính sách tài khóa và tiền tệ thì nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh cần được quan tâm hơn nữa. Sức ép này cũng có thể được nhìn nhận là cơ hội để cả nền kinh tế và từng địa phương bứt phá thông qua tăng tốc cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh. Sự phục hồi của doanh nghiệp sẽ quyết định đến tăng trưởng, phát triển của các địa phương và của nền kinh tế.

- Theo bà, mục tiêu và giải pháp phát triển doanh nghiệp thời gian tới là gì?

- Để củng cố niềm tin và tạo thêm động lực cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp tục phục hồi, phát triển thì cải cách môi trường kinh doanh cần mạnh mẽ, thực chất và quyết liệt hơn nữa. Môi trường kinh doanh sẽ tác động đến cách thức vượt qua khó khăn và mức độ tận dụng cơ hội của các doanh nghiệp trong quá trình phục hồi.

Năm 2024, Chính phủ tiếp tục duy trì ban hành nghị quyết hằng năm về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ là tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; tăng số lượng doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Đồng thời, giảm chi phí đầu vào và chi phí tuân thủ pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh; giảm rủi ro chính sách; củng cố niềm tin, tạo điểm tựa phục hồi và nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp. Yêu cầu cốt lõi là tinh thần quyết liệt trong thực hiện cải cách theo hướng thực chất, mạnh mẽ, không có điểm dừng và vì doanh nghiệp.

Theo dự thảo nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh năm 2024, Chính phủ xác định một số mục tiêu cụ thể như: Số doanh nghiệp gia nhập thị trường (thành lập mới và trở lại hoạt động) năm 2024 tăng ít nhất 10% so với năm 2023; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2024 tăng dưới 10% so với năm 2023. Đồng thời, Chính phủ chú trọng một số giải pháp quan trọng, gồm: Tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư. Nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Đẩy mạnh cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính. Tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp. Hoàn thiện chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững. Cuối cùng là nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh...

- Trân trọng cảm ơn bà!