Tiếp sức, hỗ trợ nông sản xuất xanh, kết nối thị trường chuyên nghiệp
Tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam tổ chức chiều 30-12, đã có 14 đại biểu trực tiếp nêu câu hỏi với Thủ tướng.
Các ý kiến tập trung nhiều vào các nhóm vấn đề: Phát triển nông nghiệp xanh; phát triển du lịch nông nghiệp, thị trường, xuất khẩu nông sản, vốn, tín dụng cho nông nghiệp… Cùng với Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ đã giải đáp nhiều câu hỏi của nông dân.
Phát triển nông nghiệp xanh
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho hay: Mới đây, Chính phủ đã phê duyệt “Đề án phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
"Chúng ta phải tư duy lại, trồng lúa không chỉ bán lúa mà bán các sản phẩm khác từ tro, trấu... Theo đó, hợp tác xã cũng phải tư duy lại và gia tăng chế biến, tận dụng các phụ phẩm của lúa để làm các sản phẩm khác để tăng thu nhập cho người trồng lúa. Chúng ta phải biến ngành hàng lúa gạo nói riêng và các ngành hàng nông sản khác nói chung thành ngành hàng tích hợp đa giá trị", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ: "Chưa bao giờ lĩnh vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn có một vị trí, vai trò, xứ mệnh quan trọng như hiện nay. Từ các kết quả đạt được, cho đến tư duy, các chuyển dịch, nỗ lực cả hệ thống, cho đến các cơ sở trên thị trường, các doanh nghiệp, người nông dân, chúng ta đang góp sức rất lớn cho việc đóng góp phát triển kinh tế nói chung, góp phần vào ổn định chính trị, xã hội".
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. trong nông nghiệp hiện nay, vấn đề mấu chốt là ở 4 khâu: Giống; phân bón, thuốc trừ sâu; nuôi trồng và thu mua chế biến bảo quản, bán ra thị trường. Các mặt hàng nông sản nhiều, rất tốt, nhưng phải sử dụng công nghệ cao, sử dụng đòn bẩy để nâng cao được giá trị nông sản. Hiện nay, trong quy hoạch 6 vùng kinh tế, mỗi vùng, mỗi khu vực nông sản cần có một trung tâm giống.
Phát triển du lịch cộng đồng là hướng đi tất yếu
Trả lời nội dung Chính phủ có chính sách gì để hỗ trợ, khuyến khích người nông dân làm du lịch nông nghiệp để tạo việc làm, sinh kế, thu nhập, nâng cao đời sống, phát huy lợi thế địa phương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho rằng, trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ 2010 đến nay, đặc biệt giai đoạn 2021-2025, đã xác định phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để các bộ, ngành tham mưu.
Theo đó, ngày 22-8-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 922 về Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, xác định du lịch nông nghiệp, nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Năm 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân và người dân tiếp cận thông tin về cơ chế, chính sách, đặc biệt giới thiệu thêm về phát triển văn hóa, du lịch cộng đồng. Đồng thời xây dựng chuyên trang quảng bá, giới thiệu về du lịch nông thôn.
Hiện nay, để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân và người dân đầu tư phát triển du lịch nông thôn có cơ chế chính sách, hành lang pháp lý, Bộ đang chỉ đạo xây dựng các hướng dẫn, thông tư quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế kỹ thuật, hướng dẫn triển khai thực hiện, cung cấp dịch vụ công tổ chức phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang triển khai xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam, trong đó xác định nâng cao thu nhập cho người dân, tổ chức tập huấn cho người dân, nâng cao năng lực, kỹ năng du lịch cộng đồng, giới thiệu về điểm đến…
Về phía các địa phương, theo tổng hợp, nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức triển khai Quyết định số 992 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, đã xây dựng các đề án, kế hoạch để triển khai thực hiện phát triển du lịch nông thôn. Đặc biệt, Bắc Giang là địa phương rất sớm triển khai Quyết định này, trong đó tỉnh đã xác định 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Giúp nông dân chuyển đổi số
Về nội dung hỗ trợ nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể cũng như chuyển đổi số trong nông nghiệp nhanh hơn, thuận lợi hơn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành các đề án, đổi mới kiến thức kinh doanh nông sản và đưa ra có nhiều dự án, chương trình cụ thể liên quan, như dự án kênh tiêu thụ liên kết theo vùng, bản đồ số hóa kết nối điểm bán, xây dựng kho dự trữ, đào tạo kiến thức kinh doanh nông sản...
Bộ Công Thương không chỉ làm một mình, mà phải phối hợp với các bộ, địa phương và phối hợp với sở công thương các tỉnh, thành phố để quảng bá, thu mua, tiêu thụ các sản phẩm.
Vấn đề thông tin thị trường, có kênh thông tin cảnh báo sớm để bà con nắm bắt, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: Theo thông tin các sàn thương mại điện tử ở nước ngoài, Bộ Công Thương đã hỗ trợ vận hành cổng thông tin về xuất khẩu, giúp bà con truy cập, nâng cao năng lực về công nghệ, chất lượng sản phẩm. Dự kiến, thời gian tới, Bộ sẽ phát triển trực tuyến nhằm hỗ trợ nông dân bán hàng điện tử xuyên biên giới.
Còn theo Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, trên cơ sở chủ trương của Đảng cũng như chương trình hành động của Chính phủ, Hội Nông dân Việt Nam đã có ký kết với Tập đoàn VNPT thực hiện "App nông dân", giúp thúc đẩy nông dân chuyển đổi số.
Mức tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng 10-12%/năm
Về vấn đề vốn, tín dụng, chính sách cho nông dân, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, hiện nay, tổng dư nợ nền kinh tế khoảng 13,4 triệu tỷ đồng, nhưng riêng nông nghiệp, nông thôn mức tổng dư nợ đang là 3,3 triệu tỷ đồng, tương đương ¼ tổng dư nợ nền kinh tế.
Mức tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thường xuyên duy trì cao nhất trong tất cả các ngành, chiếm khoảng 10-12%/năm. Kể cả những năm có dịch Covid-19 hay những năm khó khăn như thời gian vừa qua, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn có tín dụng tăng trưởng nhanh và đều.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cùng với Bộ NN&PTNT đề xuất với Thủ tướng, trình Chính phủ mở rộng Nghị định số 55 về cơ chế nguồn vốn, cơ chế bảo lãnh, các điều kiện, thủ tục đối với bà con trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để phù hợp với thực tế, định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay.