Doanh nghiệp

Gieo trồng “hạt giống” văn hóa doanh nghiệp tại TNG Holdings Vietnam

Vân Anh 24/03/2023 11:18

Trung bình cứ 120 nhân sự tại TNG Holdings Vietnam sẽ có 5 “Đại sứ văn hóa” - cách gọi dành cho cán bộ văn hóa nòng cốt tham gia các hoạt động lan tỏa văn hóa của Tập đoàn.

Hành trang cho mỗi “Đại sứ văn hóa”

Trong thế giới VUCA đầy biến động, văn hóa doanh nghiệp giống như “mã gen” quý giúp doanh nghiệp củng cố nội lực, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Để “mã gen” quý ấy lan tỏa tới cán bộ, nhân viên, TNG Holdings Vietnam đã chú trọng xây dựng đội ngũ “Đại sứ văn hóa”. Họ là những người được đề cử và tuyển chọn từ tất cả các bộ phận, phòng ban trong tập đoàn, đóng vai trò như những “hạt giống” giúp văn hóa doanh nghiệp được ươm mầm, lan tỏa sâu rộng.

580-202312301014441.jpg
Các “Đại sứ văn hóa” làm việc nhóm trong một buổi đào tạo kỹ năng triển khai hoạt động văn hóa.

Thành công của chuỗi sự kiện văn hóa nội bộ tại TNG Holdings Vietnam có sự góp sức rất lớn từ các “Đại sứ văn hóa”. Họ được trang bị các kỹ năng để hoàn thành tốt sứ mệnh của mình. Đầu tháng 3, các “Đại sứ văn hóa” vừa được tham gia chuyến đào tạo kỹ năng tổ chức hoạt động nội bộ trong hai ngày cuối tuần.

“Chúng tôi không chỉ được học những kỹ năng về lập kế hoạch, tổ chức các hoạt động văn hóa, sáng tạo nội dung, quay phim, chụp hình mà được thực hành ngay trong chuyến đi”, đó là chia sẻ của bạn Lưu Văn Kiên - một “Đại sứ văn hóa” vừa tham gia chuyến đào tạo.

“Không khí lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười, tiếng thảo luận sôi nổi khiến mọi người luôn hào hứng. Những sản phẩm qua các thử thách mà các đội mang lại chính là thành quả tuyệt vời trong chuyến đào tạo lần này”, Kiên cho biết thêm.

Nguyễn Thị Hải Hạnh chia sẻ cảm nhận về chuyến đào tạo theo một cách khác: “Tôi tự tin đã tổ chức nhiều chương trình teambuilding, CSR… cho đơn vị mình nhưng lại phát hiện bản thân vẫn còn nhiều thiếu sót. Cùng học cùng thực hành, cùng thi đấu để nhận ra điểm mạnh điểm yếu cũng như những hạn chế của bản thân từ những việc tưởng chừng đã quá quen thuộc trong công việc hằng ngày là điều thú vị nhất mà chuyến đào tạo mang lại”.

Dấu ấn của các “Đại sứ văn hóa”

Nhiều năm qua, mô hình “Đại sứ văn hóa” đã góp phần không nhỏ giúp văn hóa doanh nghiệp của TNG Holdings Vietnam nhanh chóng thăng hạng. Chỉ trong vòng một năm, khảo sát độc lập về Mức độ trưởng thành văn hóa doanh nghiệp tại TNG Holdings Vietnam do BlueC - đơn vị đo lường độc lập thực hiện cho thấy liên tục có sự tăng bậc. Riêng năm 2022 tăng gần 9 điểm so với năm 2021 (từ 52,47 lên 61,17), cao hơn điểm trung bình của thị trường 20 điểm. Với các chỉ số văn hóa đạt 61,17 trên thang tuyệt đối là 84 điểm, mức độ trưởng thành văn hóa của TNG Holdings Vietnam đã đạt cấp độ 5 - cấp độ Thấm nhuần (nghĩa là văn hóa doanh nghiệp đã gắn chặt chẽ vào kết cấu của tổ chức).

580-202312301014442.jpg
Một hoạt động CSR hướng đến trẻ em vùng cao do các “Đại sứ văn hóa” đề xuất và thực hiện.

“TNG Holdings Vietnam là tập đoàn đa ngành, đặc thù nhân sự trải đều ở nhiều độ tuổi từ 20 đến 60 nên “Đại sứ văn hóa” không phân biệt tuổi tác hay tính chất công việc mà quan trọng là tinh thần và tố chất” - ông Trần Xuân Quảng - Tổng Giám đốc kiêm Trưởng ban Văn hóa của tập đoàn chia sẻ.

Trên thực tế, có không ít “Đại sứ văn hóa” ở độ tuổi U50 nhưng hoạt động rất hiệu quả, thu hút được nhiều người cùng tham gia các chương trình do họ khởi xướng. Tại các đơn vị, các hạt nhân văn hóa này chính là người truyền lửa, gắn kết cán bộ nhân viên giúp tập thể trở thành một tổng thể bền vững.

Một lợi ích khác mà “Đại sứ văn hóa” mang lại chính là tính đa dạng, phong phú trong các sáng kiến. Do các “đại sứ” đến từ nhiều bộ phận, phòng ban khác nhau nên khi đưa ra ý tưởng cho các hoạt động luôn sát với tâm tư, đặc thù công việc của bộ phận mình. Đặc biệt, với góc nhìn tham chiếu từ công việc chuyên môn, họ đã tạo ra yếu tố mới lạ thu hút mọi người.

Mặc dù không phải đơn vị tiên phong trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp song TNG Holdings Vietnam lại có chiến lược phát triển một cách bài bản. Mô hình phát triển văn hóa doanh nghiệp của Tập đoàn được hoàn thiện từ phương pháp luận với các lớp tiếp cận (giá trị cốt lõi, hành vi lãnh đạo, nguyên tắc tối thượng) đến hệ thống chương trình được quy hoạch theo các điểm chạm (sự kiện thường niên, sự kiện theo chủ đề, sự kiện vào các dịp lễ tết).

Trải qua nhiều biến động của môi trường kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp tại TNG Holdings Vietnam đã chứng minh đây là yếu tố gia tăng sự gắn kết của người lao động, giúp doanh nghiệp này tăng sức hấp dẫn trên thị trường tuyển dụng.