Giảm giá nhà tiệm cận thu nhập của người dân
Kéo giảm giá nhà, tăng thêm nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp là giải pháp vừa có tính cấp bách, vừa bảo đảm an sinh xã hội lâu dài.
Điều này cũng sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản theo hướng minh bạch và bền vững.
Giá nhà cao 20 lần thu nhập trung bình
Thông tin từ Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), căn hộ trung cấp (2 phòng) hiện có giá khoảng 2,5 tỷ đồng (35 triệu đồng/m2), cao hơn trên dưới 20 lần so với thu nhập trung bình của các hộ gia đình, cá nhân có khả năng dành dụm 8-12 triệu đồng/tháng, tương đương trên dưới 100 triệu đồng/năm. Căn hộ có giá vừa túi tiền khoảng 2 tỷ đồng trở xuống (25-30 triệu đồng/m2) và căn hộ nhà ở xã hội thì nguồn cung hầu như vắng bóng trên thị trường thành phố Hồ Chí Minh trong hai năm qua.
Sự chênh lệch này cũng xảy ra tại Thủ đô Hà Nội. Theo Công ty TNHH Savills Việt Nam (Tập đoàn tư vấn bất động sản quốc tế Savills), so với năm 2019 - thời điểm trước khi bùng phát dịch Covid-19, mức tăng trưởng trung bình thu nhập của người dân là 6%/năm. Trong khi đó, mức tăng giá căn hộ từ năm 2019 đến nửa đầu năm 2023 là 13%/năm - cao hơn hai lần thu nhập của người dân.
Khảo sát của batdongsan.com.vn cũng cho thấy, giá rao bán trung bình các loại hình nhà ở Hà Nội vào đầu năm 2023 là 22,8 tỷ đồng/căn với nhà mặt phố; 17,8 tỷ đồng/căn với biệt thự; 6,3 tỷ đồng/căn với nhà riêng và 3,1 tỷ đồng/căn đối với chung cư. Trong khi ước tính thu nhập bình quân của người lao động Hà Nội năm 2023 là 135 triệu đồng/năm. Vì vậy, để sở hữu một căn nhà mặt phố, người dân Thủ đô phải làm việc, dành dụm trong 169 năm và cũng phải mất 23 năm cho việc sở hữu một căn hộ chung cư.
Do đó, kéo giảm giá nhà và triển khai các dự án nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và những dự án nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu nhà ở rất lớn của người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp là vấn đề vừa có tính cấp bách, vừa bảo đảm an sinh xã hội lâu dài, cũng như phát triển thị trường bất động sản theo hướng bền vững.
Tăng nguồn cung để giảm giá nhà
Theo HoREA, giá hàng hóa nói chung và giá nhà ở nói riêng được hình thành trên cơ sở các quy luật khách quan của thị trường, trước hết là quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh và quy luật cung - cầu. Ngoài ra, giá nhà ở còn phụ thuộc rất lớn vào tâm thế thị trường, các bên tại thời điểm giao dịch và nhu cầu, mức độ “cần bán”, hoặc “cần mua”.
“Mặt tích cực là trong những năm gần đây, đã có nhiều tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản lớn có chiến lược xây dựng uy tín thương hiệu, triết lý kinh doanh và tinh thần doanh nghiệp, theo hướng chia sẻ lợi ích cho khách hàng, cộng đồng, không tìm kiếm siêu lợi nhuận mà chỉ xác định lợi nhuận định mức khoảng 10%/năm, nên đã đưa ra mức giá bán nhà hợp lý”, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu nhận định.
Nhằm tăng nguồn cung nhà ở thương mại giá thấp, HoREA vừa có văn bản đề nghị Chính phủ sớm thông qua nghị quyết triển khai “Đề án phát triển nhà ở thương mại giá thấp” với các cơ chế, chính sách ưu đãi về tiền sử dụng đất, thuế, tín dụng, để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở thương mại có mức giá căn hộ không quá 20 triệu đồng/m2 ở các tỉnh và không quá 22-25 triệu đồng/m2 ở các đô thị loại I, đô thị đặc biệt.
Về phía các doanh nghiệp bất động sản, cần đa dạng hóa và cơ cấu lại sản phẩm nhà ở, chuyển hướng mạnh sang phân khúc nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền; nhà ở thương mại giá thấp; nhà ở xã hội và tham gia các dự án xây dựng lại các chung cư cũ; dự án di dời, chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch; dự án chỉnh trang các khu dân cư lụp xụp. Đây là lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản vừa có hiệu quả kinh tế, vừa bảo đảm ý nghĩa xã hội và mặc dù có tỷ suất lợi nhuận thấp, nhưng ít rủi ro, đồng thời có lợi cho việc xây dựng uy tín thương hiệu của doanh nghiệp, góp phần thiết thực để kéo giảm giá nhà.
Nhận định cần có chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đối với các dự án phát triển nhà ở xã hội để giảm giá bán và giảm tiền thuê cho các đối tượng mua nhà, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh đề xuất Bộ Xây dựng sớm có ý kiến hướng dẫn xây dựng “Đề án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phục vụ tái định cư trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Đối với vấn đề cải tạo chung cư cũ, Sở kiến nghị Bộ hướng dẫn căn cứ, các tiêu chí kiểm định, đánh giá hệ thống hạ tầng kỹ thuật của nhà, khu chung cư; tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; quy định hệ số K bồi thường phục vụ lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện dự án.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, bất động sản là một thị trường và giá sẽ do thị trường quyết định, nên để giảm giá thì phải tăng cung. Trong đó, để tăng số lượng nhà giá rẻ, nhà ở xã hội thì phải có chính sách, bảo đảm nguồn cung cho đại đa số. Với nhà ở xã hội có giá 15-20 triệu đồng/m2, đã có đầy đủ cơ chế, chính sách, vấn đề là đẩy nhanh việc xây dựng các dự án. Với nhà ở thương mại giá rẻ, khung giá 20-28 triệu đồng/m2, có diện tích dưới 45m2, Bộ Xây dựng cũng đã có đề xuất về cơ chế, chính sách với mục đích tạo ra nguồn cung căn hộ vừa mức thu nhập để người dân có thể mua được...