Sức khỏe

Loạn thông tin tầm soát ung thư sớm và những hệ lụy

Theo Lao động 29/12/2023 - 08:24

Gần đây, các dịch vụ “gói tầm soát ung thư”, “tầm soát ung thư sớm”… nở rộ trên các trang quảng cáo cũng như các cơ sở điều trị.

Thậm chí, đánh vào tâm lý muốn phát hiện sớm bệnh ung thư, nhiều nơi đang quảng cáo rầm rộ dịch vụ xét nghiệm máu phát hiện ung thư ngay trong ngày. Chi phí tầm soát không hề nhỏ khiến nhiều người rơi vào tình cảnh tiền mất, mà bệnh thì bị chẩn đoán nhầm.

Loạn thông tin tầm soát ung thư sớm và những hệ lụy
Một ca phẫu thuật ung thư phổi bằng robot tại Bệnh viện K. Ảnh: Trần Hà

Lãng phí

Người đàn ông lớn tuổi, bị hẹp động mạch thận đã can thiệp đặt stent tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nhiều năm trước. Sau can thiệp, ông dùng thuốc theo đơn của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - hơn 5 năm nhưng không khám lại. Trong suốt thời gian đó, sức khỏe bệnh nhân ổn định do ông không quên dùng thuốc huyết áp, chống đông.

Gần đây, hai ông bà được con gái đưa đi tầm soát ung thư, chi phí gần 20 triệu đồng. Rất nhiều thăm dò chẩn đoán hình ảnh được sử dụng, gồm cả chụp cộng hưởng từ (MRI) toàn thân, tất cả các marker (dấu ấn) ung thư từ đơn giản như PSA (ung thư tiền liệt tuyến) và alpha FP (ung thư gan) đến phức tạp đều được kiểm tra...

"Không biết có phải do nhiều kết quả in đậm, cao hơn giới hạn tham chiếu, khiến bác lo lắng và huyết áp bị tăng lên hay không?" - PGS.TS Hiếu chia sẻ.

Sau khi khám kỹ lưỡng, PGS.TS Hiếu không đổi thuốc mà chỉ giải thích cắt nghĩa, hướng dẫn chế độ ăn uống, sinh hoạt. Điều đáng nói, ông đánh giá việc sàng lọc ung thư hiện nay đang được thực hiện "một cách vô tội vạ", tràn lan.

TS.BS Phùng Thị Huyền - Trưởng khoa Nội 6, Bệnh viện K Trung ương - cho biết: "Hiện nay, các gói tầm soát, sàng lọc ung thư được quảng cáo trên thị trường có sự thương mại hóa, quảng cáo nhiều. Bản thân tôi cũng gặp nhiều người đi tầm soát ung thư và mang kết quả tới nhờ tôi tư vấn. Tuyệt nhiên, kết quả tôi nhận được 99% chỉ là tờ xét nghiệm máu. Có những người hoảng hốt vì thấy nhiều người bị ung thư và đến viện hỏi bác sĩ có biện pháp nào giúp tìm cho tôi được bệnh ung thư từ đầu đến chân".

“Nhu cầu chăm sóc sức khoẻ tích cực rất đáng mừng. Tuy nhiên, cũng rất đáng lo ngại khi dịch vụ tầm soát ung thư đang bùng nổ. Một cơ sở y tế quảng cáo về gói tầm soát ung thư toàn thân với hơn 90 xét nghiệm liên quan với đảm bảo phát hiện được tất cả các bệnh ung thư nếu có” - TS.BS Phùng Thị Huyền cho biết.

Xét nghiệm tầm soát ung thư được thực hiện vô tội vạ

"Tôi phản đối việc chỉ định xét nghiệm dấu ấn ung thư tràn lan như hiện nay. Đặc biệt các đơn vị tư nhân lấy máu tại nhà rồi tiếp thị người dân bỏ tiền ra làm các xét nghiệm "lợi bất cập hại" này" - PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu bức xúc nói.

Tầm soát ung thư là quá trình tìm kiếm những dấu hiệu sớm của bệnh ung thư trên người chưa có triệu chứng của bệnh giúp phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, tăng tỉ lệ chữa khỏi, giảm nguy cơ tử vong do ung thư. Tầm soát ung thư được áp dụng đối với nhóm người có yếu tố nguy cơ, tiếp xúc với tác nhân gây ung thư. Tầm soát ung thư chỉ mang lại hiệu quả khi thực hiện tầm soát trên 80% các bộ phận cần tầm soát và phải được thực hiện ở cơ sở y tế có năng lực tổ chức được hệ thống theo dõi và điều trị.

Theo khuyến cáo của PGS.TS Lân Hiếu, các xét nghiệm dấu ấn ung thư không được sử dụng để chẩn đoán sớm ung thư. Ngoài 2 xét nghiệm kinh điển PSA (ung thư tiền liệt tuyến) và alpha FP (ung thư gan), các dấu ấn khác không có giá trị chẩn đoán xác định ung thư do độ nhạy và đặc hiệu không đủ tin cậy. Có nghĩa là dù có chỉ số tăng cao cũng không chắc bị ung thư và ngược lại âm tính cũng không loại trừ được (khiến rất nhiều người chủ quan với kết quả này).

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, các dấu ấn ung thư được sử dụng để theo dõi đáp ứng điều trị. Bệnh nhân đang điều trị hoá trị, xạ trị, sau phẫu thuật cắt bỏ khối u… sẽ được chỉ định marker liên quan và xét nghiệm theo dõi dọc thời gian. Nếu các chỉ số này tăng đột biến là cảnh báo sự tái phát của ung thư, còn nếu giảm hoặc giữ nguyên theo thời gian là dấu hiệu bệnh nhân đã đáp ứng tốt theo phương pháp điều trị đang thực hiện. Để sàng lọc ung thư, theo khuyến cáo của bác sĩ Hiếu cần khám và tư vấn chuyên khoa. Các bác sĩ sẽ hỏi bệnh và khám lâm sàng để chỉ định các xét nghiệm cần thiết. Cá thể hóa người bệnh là tiêu chí của y học hiện đại, bởi không thể tầm soát ung thư phổi bằng cách chụp cắt lớp CT Scanner cho một nữ thanh niên không có tiền sử đặc biệt, nhưng ngược lại rất cần ở nam giới tuổi cao hút thuốc bị gầy sút chưa rõ nguyên nhân...

Theo thống kê của Tổ chức GLOBOCAN (Tổ chức Ung thư toàn cầu), ở Việt Nam, hằng năm có khoảng 182.600 người mắc mới bệnh ung thư, khoảng 122.700 người tử vong và hiện có hơn 350.000 bệnh nhân đang sống chung với căn bệnh này.