Đời sống

Hàng nghìn người khuyết tật được dạy nghề, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế

Mai Hoa 28/12/2023 - 16:04

Năm 2023, hàng nghìn người khuyết tật được dạy nghề, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế. Hội người mù Việt Nam mở được 91 lớp cho 1.192 học viên học nghề xoa bóp bấm huyệt, tin học, chăn nuôi, thủ công, làm hương, đan lát; Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam tổ chức 33 lớp dạy nghề cho 596 trẻ em khuyết tật; Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam dạy nghề cho 1.421 học viên...

Thông tin này được Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Tô Đức cho biết tại Hội nghị tổng kết năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 do Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam tổ chức ngày 28-12, tại Hà Nội.

2-quang-canh-hoi-nghi1.jpg
Quang cảnh hội nghị.

Hiện nay, cả nước có khoảng 7 triệu người khuyết tật, trong đó, 1,6 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, 342.329 gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và hàng triệu người khuyết tật, trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội.

Báo cáo tại hội nghị, ông Tô Đức cho biết, năm 2023, ngân sách nhà nước đã bố trí 31,3 tỷ đồng thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15-3-2021 của Chính phủ về trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và khoảng 489 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với người khuyết tật.

1-nguyen-van-hoi.jpg
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Cùng với đó, các tổ chức người khuyết tật đã tích cực huy động nguồn vốn xã hội hóa, như Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam vận động được 552 tỷ đồng; Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và các Hội thành viên vận động tài trợ được gần 555 tỷ đồng; Hội Người mù Việt Nam vận động hơn 118 tỷ đồng và nhiều phần quà có giá trị... Tất cả góp phần chăm lo đời sống và điều kiện sinh hoạt cho người khuyết tật.

Đáng chú ý, hơn 3.700 người khuyết tật được lập hồ sơ sức khỏe, 2.066 người được khám sàng lọc định kỳ; 1.800 người được tiếp cận và được cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh, điều dưỡng phục hồi chức năng tại các cơ sở khám, chữa bệnh; 2.500 người khuyết tật được hướng dẫn tại nhà về chăm sóc sức khỏe; 3.500 người khuyết tật và người nhà được tập huấn về kỹ năng phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe, kỹ năng chăm sóc, phục hồi chức năng tại nhà…