Cần làm gì để "hạ nhiệt" giá vàng?
Thời gian gần đây, giá vàng tăng với tốc độ phi mã, nhưng nguyên nhân lại không phải do giá vàng thế giới, mà do nhu cầu trong nước tăng "đột biến". Vậy đâu là nguyên nhân và cần làm gì để "hạ nhiệt" giá vàng?
Về vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hưởng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank).
- Nhiều phiên trở lại đây, giá vàng "nhảy múa", có thời điểm chạm ngưỡng 80 triệu đồng/lượng, phá vỡ mọi kỷ lục từ trước đến nay. Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến giá vàng trong nước tăng cao ?
- Giá vàng trong nước tăng cao chủ yếu do "tâm lý đẩy" - dẫn đến "cầu kéo" bất thường. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có hiện tượng nhà đầu tư trong nước lo ngại những bất ổn chính trị ở một số quốc gia trên thế giới dẫn đến nguy cơ chiến tranh, nên đẩy mạnh khu trú đồng tiền, tài sản trong vàng.
Chưa kể do thông tin không mấy lạc quan về nền kinh tế nên không loại trừ hiện tượng rửa tiền thông qua tích trữ vàng... dẫn đến giá vàng miếng chênh lệch quá cao, bất hợp lý với giá vàng thế giới.
Nếu để tình trạng giá vàng trong nước "nhảy múa" kéo dài, chắc chắn sẽ hệ lụy đến lạm phát vài ngày cuối năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, vì giá các hàng hóa khác sẽ tăng theo.
- Giá vàng tăng cao có ảnh hưởng thế nào tới tỷ giá, thưa ông?
- Chắc chắn ảnh hưởng. Nếu buông lỏng quản lý, vàng sẽ tự nhiên trở thành một kênh tài chính - chứng khoán, được coi như một mã cổ phiếu bỗng dưng tăng "phi mã" làm lũng đoạn không chỉ thị trường vàng, mà còn ảnh hưởng tới chính sách kinh tế vĩ mô.
Nếu lũng đoạn vàng có tổ chức sẽ tạo tâm lý bầy đàn mua bán vàng rộng khắp từ thành thị đến nông thôn.
Đó là chưa kể, vàng có nguy cơ trở thành phương tiện lưu hành, phá vỡ chủ trương chống "vàng hóa" nền kinh tế mà chúng ta đã thực hiện thành công trong những năm qua nhằm góp phần tăng giá trị tiền VND.
- Vậy theo ông, cần có giải pháp gì để "hạ nhiệt" giá vàng, bình ổn tâm lý cho nhà đầu tư trong nước?
- Giải pháp hạ nhiệt giá vàng có thể áp dụng binh pháp "tương kế - tựu kế", "lấy độc trị độc". Các ngành chức năng vào cuộc, với việc bán ra khối lượng đủ cho nhu cầu người dân vài ngày, cộng với việc đưa ra thông tin nhập khẩu vàng can thiệp thị trường.
Cùng với đó, bộ phận thanh tra, chống rửa tiền hoạt động mạnh sẽ biết ai là người mua vàng nhiều những ngày vừa qua, có hiện tượng lũng đoạn giá vàng trong nước có tổ chức hay không?
Tôi cho rằng, nếu áp dụng nhiều giải pháp cùng một lúc, giá vàng sẽ ngừng "nhảy múa".
- Có nghĩa là theo ông nên nhập khẩu để tăng nguồn cung thị trường?
- Đúng vậy. Phương châm điều hành quy luật kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước xã hội chủ nghĩa phát huy chính lúc này.
Chúng ta không thể ngồi im chứng kiến giá vàng tự do "nhảy múa" tạo ra chênh lệch vô lý giữa giá vàng trong nước và quốc tế (có thời điểm chênh tới 17 triệu đồng/lượng). Vì tình trạng này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược vĩ mô và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
- Thủ tướng vừa ban hành công điện chỉ đạo các giải pháp quản lý thị trường vàng, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
- Công điện ban hành kịp thời, rõ giải pháp, nhiệm vụ của từng cơ quan quản lý. Trong đó, Thủ tướng lưu ý hai vấn đề lớn đó là dứt khoát không để tình trạng vàng hóa nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá, lãi suất, bảo đảm an toàn tài chính, tiền tệ quốc gia; đồng thời, phải có giải pháp quản lý hiệu quả, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao, ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành kinh tế vĩ mô.
Thủ tướng cũng yêu cầu thanh tra, giám sát thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng; xử lý buôn lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng thị trường...; rà soát khung khổ pháp lý liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung... Theo tôi đây là những giải pháp tổng thể bảo đảm cho thị trường vàng ổn định, minh bạch, lành mạnh.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!